Ảnh hưởng của thời điểm ngập úng đến sinh trưởng, sinh lý và năng suất của giống lạc L14 (Arachis hypogaea)
Nghiên cứu do đồng tác giả Lê Thị Tuyết Châm và Vũ Ngọc Thắng thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời điểm ngập úng đến một số chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý và năng suất của giống lạc L14 trong nhà lưới có mái che của Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội tại vụ Xuân 2020.
Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên 2 yếu tố, bao gồm: yếu tố 1 là chế độ tưới bao gồm CT1 tưới bình thường và CT2 xử lý ngập nhân tạo trong 10 tuần và rút nước để trở lại độ ẩm đất ban đầu (70 - 80%); yếu tố 2 là thời điểm gây úng bao gồm xử lý ngập ở các giai đoạn cây con (khi cây có 3 lá), ra hoa rộ (25 ngày sau khi cây bắt đầu ra hoa), quả chắc (65 ngày sau khi cây bắt đầu ra hoa).
Kết quả đã cho thấy ngập úng đều làm giảm cả chỉ tiêu sinh trưởng và sinh lý như chiều cao cây, chiều dài cành cấp 1, số lá/cây, khối lượng tươi và khả năng tích lũy chất khô, khả năng hình thành nốt sần, chỉ số đánh giá hàm lượng diệp lục trong lá SPAD (soil plant analysis development) và hiệu suất huỳnh quang diệp lục. Duy nhất chỉ tiêu độ rò rỉ ion tăng lên phản ánh mức độ stress ngập úng cây đang trải qua. Tuy nhiên, ngập ở giai đoạn cây con đã làm ảnh hưởng lớn đến số quả trên cây và tỷ lệ đậu quả, dẫn đến năng suất cá thể của giống L14 đã giảm 60,3% so với đối chứng. Trong khi đó, ngập ở giai đoạn ra hoa rộ và quả chắc gây ra sự suy giảm năng suất của giống lạc L14 tương đương nhau (∼31%). Như vậy, ngập úng ở giai đoạn cây con trong 10 tuần đã làm ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất của giống lạc L14.
Tạp Chí Nông nghiệp Và Phát triển 22(1), 21-31