SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Điều chỉnh công thức phân cho cây khóm (Ananas comosus L.) vụ gốc trồng trên đất phèn tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bằng phương pháp quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt

[25/06/2023 21:57]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Quốc Khương, Phan Chấn Hiệp, Nguyễn Huỳnh Minh Anh, Nguyễn Thanh Ngân, Lê Thị Ngọc Thơ, Nguyễn Đức Trọng - Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, các tác giả Trần Ngọc Hữu, Lê Vĩnh Thúc, Lý Ngọc Thanh Xuân - Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu điều chỉnh công thức phân bón phù hợp bằng phương pháp quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt cho cây khóm vụ gốc tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Cây khóm (Ananas comosus L.) được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Hậu Giang, diện tích trồng cây khóm hiện có 3.087,15 ha, sản lượng 9 tháng năm 2022 ước tính 24.015,43 tấn.  Đối với cây khóm, dưỡng chất đạm (N) rất cần cho sự phát triển thân, lá, trái và góp phần tăng năng suất trái khóm. Nhu cầu lân (P) của cây khóm tương đối thấp, nên hàm lượng P phân tích được trong giống khóm Queen khoảng 1,0 - 1,6 g kg-1 . Cây khóm cần kali (K) cao hơn các chất dinh dưỡng khác vì thiếu K ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái khóm. Canxi (Ca) đóng vai trò quan trọng trong điều hòa chức năng sinh lý đối với trái và hoa trong thời gian sau thu hoạch. Magie (Mg) là một thành phần của diệp lục, thiếu Mg gây giảm hàm lượng diệp lục, quang hợp và sinh trưởng của cây trồng. Tuy nhiên, độ chua của đất cao (pH < 4,0) là yếu tố giới hạn tính hữu dụng của dinh dưỡng trong canh tác cây khóm trên đất phèn.

Ngoài ra, tuổi liếp trồng khóm cao và sử dụng phân bón hóa học gây ra bất lợi như giảm chất lượng đất. Tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, độ phì nhiêu đất ở tầng mặt canh tác cây khóm vụ gốc được đánh giá ở mức thấp. Chính vì vậy, áp dụng phương pháp quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt (SSNM) để cung cấp dinh dưỡng tối ưu nhất theo nhu cầu của cây trồng. Phương pháp SSNM đã được nghiên cứu trên cây ăn trái như cây cam Mosambi  và cây có múi. Trên cây khóm, SSNM đã được nghiên cứu trên thế giới như Ấn Độ. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu trên cây khóm tơ và gốc trong điều kiện giảm mật độ nhằm xác định đáp ứng, ảnh hưởng của phân bón N, P, K, Ca, Mg đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng cây khóm. Phương pháp SSNM đã được ứng dụng để xác định chênh lệch năng suất giữa các nông hộ với độ biến động là 53,1%. Tuy nhiên, điều chỉnh công thức phân bón cho cây khóm sau khi thành lập bằng phương pháp SSNM vẫn chưa được thực hiện. Do đó, nghiên cứu nhằm mục tiêu điều chỉnh công thức phân bón phù hợp bằng phương pháp quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt cho cây khóm vụ gốc tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm (i) Đánh giá ảnh hưởng của bón phân đạm (N), lân (P), kali (K), canxi (Ca) và magie (Mg) đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng của cây khóm vụ gốc, (ii) Điều chỉnh công thức phân cho cây khóm vụ gốc trồng trên đất phèn tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bởi phương pháp quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt (SSNM). Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 8 nghiệm thức (i) KBP: Không bón phân, (ii) NPKCaMg: Bón phân N, P, K, Ca và Mg, (iii) PKCaMg: Bón khuyết N, (iv) NKCaMg: Bón khuyết P, (v) NPCaMg: Bón khuyết K, (vi) NPKMg: Bón khuyết Ca, (vii) NPKCa: Bón khuyết Mg, (viii) FFP: Thực tế bón phân của nông dân.

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy, bón khuyết một trong các dưỡng chất N, P, K và Mg giảm chiều cao cây. Bón khuyết N cũng dẫn đến giảm chiều dài lá, chiều rộng lá, chiều dài cuống trái, đường kính cuống trái và chiều rộng chồi ngọn. Bên cạnh đó, bón khuyết các dưỡng chất dẫn đến giảm năng suất và chất lượng trái so với bón đầy đủ dưỡng chất N, P, K, Ca và Mg. Công thức phân N, P, K, Ca, Mg khuyến cáo bón cho cây khóm vụ gốc được điều chỉnh dựa trên công thức phân đã thành lập theo phương pháp SSNM là 462 N, 341 P2O5, 510 K2O, 1207 CaO và 618 MgO kg ha-1.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kỳ 1 - Tháng 3/2023 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ