SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập vi khuẩn nội sinh từ cây cà chua đối kháng với Ralstonia solanacearum

[30/06/2023 09:25]

Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Minh Lý; Kiều Đức Toàn thực hiện.

Ảnh minh họa

Bệnh héo xanh do phức hợp các loài vi khuẩn Ralstonia solanacearum (Ralstonia solanacearum species complex -RSSC) gây ra, là một trong những bệnh hại rất phổ biến và nghiêm trọng đối với quá trình  sản  xuất  các  loại  cây  trồng  nông nghiệp. RSSC có phạm vi phân bố rộng, bao gồm các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và nhiều khu vực ôn đới trên thế giới (Peeters và cs., 2013). Đây là loại vi khuẩn có nhiều chủng sinh lý và sinh học khác nhau với có phổ ký chủ rất rộng, có khả năng gây hại trên 200 loại cây, đặc biệt gây hại nặng trên cây họ Cà (Prior và cs., 2016). Vì mức độ gây thiệt hại năng nề, cũng như khó khăn trong việc phòng chống, bệnh vi khuẩn héo xanh  chịu sự kiểm soát chặt chẽ của kiểm dịch Quốc tế, nhất là các nước thuộc cộng đồng Châu Âu (Trương Thị Bích Vân và cs., 2019).

Hiện nay, công tác phòng chống bệnh héo xanh vi khuẩn còn gặp rất nhiều khó khăn (Aslam và cs., 2017). Các biện pháp phòng chống bệnh héo xanh được áp dụng bao gồm giống cây trồng kháng bệnh, biện pháp canh tác (luân canh, gốc ghép), thuốc bảo  vệ  thực  vật  hóa  học,  nano  kim  loại (nano bạc, nano đồng), và kiểm soát sinh học bằng các chủng vi sinh vật đối kháng với  RSSC  (Agarwal  và  cs.,  2020).  Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của các biện pháp phòng chống bệnh héo xanh vi khuẩn vẫn còn hạn chế do sự phức tạp trong hệ thống phân loại của RSSC, khả năng biến đổi nhanh, tồn tại lâu dài của chúng trong các điều kiện khác nhau với phổ ký chủ rộng (Mohamed và cs., 2020). Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học còn có thể gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm và sức khỏe cộng đồng (Lê Thị Thanh Thủy, 2015). Vì vậy, ở nhiều địa phương việc sản xuất cây trồng, đặc biệt là cà chua còn gặp nhiều khó khăn.

Vi khuẩn Ralstonia solanacearum là tác nhân gây ra bệnh héo xanh ở trên hơn 200 loài thực vật, bao gồm cây cà chua. Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng chống loại bệnh này, tuy nhiên, kết quả áp dụng đạt được vẫn còn hạn chế.

Nghiên cứu đã tiến hành phân lập và tuyển chọn chủng vi khuẩn nội sinh từ cây cà chua có khả năng đối kháng cao với R. solanacearum.

Kết quả thu được 10 chủng vi khuẩn nội sinh từ thân cây cà chua được trồng tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Trong đó, đã tuyển chọn và định danh được 01 chủng vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens B02 có khả năng đối kháng cao với R. solanacearum. Đường kính vòng đối kháng trên đĩa thạch đạt 16,67±0,33 mm. Khi xử lý hạt cà chua bằng chủng B. amyloliquefaciens B02 có thể làm giảm tỉ lệ nhiễm bệnh ở giai đoạn cây con lên đến 83,33%.

Tạp chí khoa học và công nghệ nông nghiệp, Tập 7(2)-2023:3543-3552
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài