Ảnh hưởng của nhóm dạng lập địa đến sinh trưởng cây phi lao (casuarina equisetifolia) và keo lá liềm (acacia crassicarpa) tại Lệ Thủy (Quảng Bình) và Triệu Phong (Quảng Trị)
Nghiên cứu do tác giả Lê Đức Thắng - Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng –Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện.
Ảnh minh họa
Nước ta có trên 3.260 km bờ biển, trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, trên địa bàn 600 xã, phường, thị trấn của 130 quận, huyện, thị xã thuộc 28 tỉnh, thành phố. Dải đất chạy dọc ven biển được hình thành qua hàng triệu năm cùng với sự vận động của địa chất và sóng biển đã tạo nên những vùng đất cát rộng lớn, trải dọc bờ biển đã và đang bị hoang hóa, sa mạc hóa; thường xuyên gây nên nạn cát bay, cát nhảy, cát lấp, ... ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân, đặc biệt là các tỉnh miền Trung (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2020). Trong công tác trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay vùng ven biển thường gặp nhiều khó khăn về điều kiện lập địa trồng rừng, đặc biệt là lập địa với địa hình địa mạo cát di động, cồn cát bán di động; đất cát nghèo mùn và dinh dưỡng, khả năng giữ nước và giữ phân kém. Các biện pháp kĩ thuật đã được áp dụng như trồng cỏ để chống cát bay, thay cát trong hố bằng đất đồi, bổ sung mùn, bón phân; trồng sâu, trồng bao quanh từ chân lên đỉnh đồi; che phủbề mặt đất cát; ... đã đạt được những thành công nhất định.
Rừng phòng hộ vùng cát ven biển có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, bảo vệ và phát triển sinh kế của người dân. Nghiên cứu kĩ thuật trồng rừng phòng hộ bằng loài cây phi lao và keo lá liềm trên 2 nhóm dạng lập địa II và nhóm phụ dạng lập địa III1 tại Lệ Thủy (Quảng Bình) và Triệu Phong (Quảng Trị).
Kết quả cho thấy, nhóm dạng lập địa có ảnh hưởng rõ đến tỷ lệ sống, các chỉ tiêu sinh trưởng và lượng tăng trưởng bình quân chung tương ứng về đường kính gốc, chiều cao và đường kính tán cây phi lao và keo lá liềm ở giai đoạn 24 -27 tháng tuổi. Cả hai loài cây trồng rừng đều cho tỷ lệ sống cao (trên 82 % đối với cây phi lao và trên 94 % đối với cây keo lá liềm), các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển khá trên những nhóm dạng lập địa có địa hình địa mạo là những cồn cát, bãi cát cố định; chế độ nước không ngập cả về mùa mưa và khả năng thoát nước tốt so với những nhóm dạng lập địa với địa hình địa mạo là cồn cát bán di động, không ngập hoặc bãi cát cố định ẩm ướt mùa mưa.Từ khóa:Kĩ thuật trồng rừng, Nhóm dạng lập địa, Rừng phòng hộ chắn gió chắn cát.
Tạp chí khoa học và công nghệ nông nghiệp, Tập 7(2)-2023:3576-3587