SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sự biến động của một số tính chất hóa học của đất trồng lúa nhiễm mặn và ngập lụt ở tỉnh Thừa Thiên Huế

[30/06/2023 14:03]

Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Quang Lịch- Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đạihọc Huế, Nguyễn Hồ Lam - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.

 Ảnh minh họa

Ở Việt Nam cũng như nhiều khu vực trên thế giới, vấn đề diện tích đất bị nhiễm mặn được xem là một trong những yếu tố hạn chế gây ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất đến sản xuất nông nghiệp trong đó lúa là cây trồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất (Ghafoor và cs., 2004). Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong năm nước bị ảnh hưởng lớn nhất của vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó nền sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa nước nói riêng bị ảnh hưởng ngày càng nặng nề. Tuy nhiên, ở nước ta nền nông nghiệp lúa nước vẫn  chiếm vai trò quan trọng trong phát triển  kinh  tế  nói  chung  và  kinh  tế  nông nghiệp nông thôn nói riêng. Trong các loại cây trồng thì cây lúa là loại cây rất mẫn cảm với tính mặn của đất (Grattan và cs., 2002).

Thừa Thiên Huế là tỉnh có diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn và ngập lụt lớn nhất ở khu vực Bắc Miền Trung với tổng diện tích khoảng 2500 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc.

Nghiên cứu được tiến hành lấy mẫu đất trồng lúa bị nhiễm mặn tại 19 điểm phân bố đại diện ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào các tháng 1, 5 và 9 năm 2016. Các giá trị pHe và ECe, CEC, cation và anion trao đổi, các bon hữu cơ tổng số... của dung dịch bão hòa đất được xác định. Ngoài ra thành phần cơ giới của các mẫu đất cũng được xác định để đánh giá tính chất vật lý đất.

Kết quả chỉ ra rằng đất lúa có hàm lượng cát cao nhưng hàm lượng thịt và sét thấp và hầu hết được phân loại là đất thịt pha cát. Giá trị CEC, tổng hàm lượng OC và N rất thấp, lần lượt là 2,0-6,4 cmolc kg-1, 0,78-1,52 % và 0,08-0,16 %. pHe của các điểm nghiên cứu thấp, dao động từ 4,4 đến 6,1. ECe tại các điểm có địa hình cao < 1,0 dS m-1. Ngượclại ECe tại khu vực ở địa hình thấp hầu hết cao hơn 1,9 dS m-1. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy ECe tháng 5 cao hơn so với ECe tháng 1 và tháng 9.

Tạp chí khoa học và công nghệ nông nghiệp, Tập 7(2)-2023:3598-3608
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ