SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sự lưu hành và triệu chứng lâm sàng của vịt nhiễm cầu trùng tại tỉnh Thừa Thiên Huế

[30/06/2023 14:04]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Hồ Thị Dung, Nguyễn Đinh Thùy Khương, Nguyễn Thị Hoa; Nguyễn Thị Thùy, Trần Thị Na, Nguyễn Thị Thu Lê, Trần Quang Vui, Phạm Hoàng Sơn Hưng - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.

Ảnh minh họa

Bệnh cầu trùng ở vịt là một bệnh phổ biến ở cả vịt nuôi và vịt hoang dã, đặc biệt bệnh gây tử vong đáng kể khi vịt giảm sức đề kháng. Hiện có 13 loài cầu trùng đã được báo cáo ở vịt. Các giống cầu trùng được tìm thấy trên vịt bao gồm Eimeria, Wenyonellahoặc Tyzzeria (Dubey,   2019).  Một  số nghiên cứu trên thế giới chothấy bệnh cầu trùng vịt xuất hiện lẻ tẻ nhưng gây chết vớitỷ lệ tương đối cao ở các trang trại nuôi vịt thương  phẩm  ở  New  York,  New  Jersey, Hungary  và  Nhật  Bản (Gajadhar  và  cs., 1983).  Ở Việt Nam, bệnh cầu trùng là một trong những bệnh thường gặp và gây ra thiệt hại nặng về kinh tế cho người chăn nuôi gia cầm (Nguyễn Thị Kim Lan, 2017).

Nghiên cứu này được thực hiện để xác định sự lưu hành của mầm bệnh cầu trùng và các triệu chứng lâm sàngbệnh gây ra trên vịt được nuôi tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nội dung nghiên cứu gồm: Xác định tỷ lệ mang mầm bệnh cầu trùng trên vịt nuôi tại 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên  Huế;  Xác  định một số yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm mầm bệnh cầu trùng trên vịt, bao gồm lứa tuổi, phương thức nuôi và phương thức cho ăn; Xác định triệu chứng lâm sàng và bệnh tích đại thể của vịt bị bệnh cầu trùng. Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022, 620 mẫu phân được thu từ 124 hộ và trang trại nuôi vịt đã được xét nghiệm bằng phương pháp phù nổi (Fulleborn). Sau đó, vịt dương tính với noãn nang cầu trùng và có triệu chứng lâm sàng của bệnh được mổ khám để kiểm tra bệnh tích đại thể.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh cầu trùng tại các hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 58,87%. Phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy các yếu tố về độ tuổi của vịt, phương thức nuôi và phương thức cho ăn có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm mầm bệnh cầu trùng. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu của vịt bị nhiễm bệnh cầu trùng là còi cọc và có bất thường về phân (phân lỏng/sáp/có máu hoặc niêm mạc ruột). Như vậy, cần có sự quan tâm tới việc kiểm soát bệnh cầu trùng trên đàn vịt, không chỉ để nâng cao hiệu quả chăn nuôi mà còn giúp hạn chế sự lây truyền mầm bệnh cho các loài động vật cảm nhiễm khác.

Tạp Chí Khoa học Và công nghệ nông nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế, 7(2), 3609–3616.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ