Thực trạng an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn ở nông hộ tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phan Thị Duy Thuận, Đặng Thị Thu Hiền, Vũ Thị Minh Phương, Võ Hoài Nam, Dương Thanh Hải - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.
Ảnh minh họa
An toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi lợn là biện pháp kỹ thuật tối ưu nhất hiện nay để đẩy lùi dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tình hình chăn nuôi, mức độ hiểu biết và áp dụng các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợnnông hộở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghiên cứu được thực hiện trên 90 nông hộ chăn nuôi lợn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2022.
Kết quả khảo sát cho thấy phương thức chăn nuôi chủ yếu là lợn nái kết hợp lợn thịt trong hệ thống chuồng hở. Về mức độ hiểu biết ATSH, 28% hộ khảo sát biết về ATSH,21% hộ hiểu và 20% hộ áp dụng các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợn. Ngoài chỉ tiêu về vị trí và địa điểm chuồng đảm bảo theo qui chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi ATSH (QCVN 01-14:2010/BNNPTNT) thì các chỉ tiêu khác chưa đạt. Đặc biệt, hầu hết các chỉ tiêu “các biện pháp ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập” như hố khử trùng ở cổng và lối ra vào chuồng; giống có kiểm dịch, cách ly lợn mới mua, biện pháp ngăn chặn gặm nhấm, chuột, chó,... và “các biện pháp ngăn chặn mầm bệnh phát tán” như nguyên tắc cùng vào-cùng ra, cách ly lợn ốm, sát trùng các phương tiện vận chuyển, người, vật dụng tại cổng ra vào trại, khu chăn nuôi và xả chất thải trực tiếp ra môi trường,.. chưa đảm bảo theo quy chuẩn.
Tạp Chí Khoa học Và công nghệ nông nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế, Tập 7(2)-2023:3638-3647