Lượng ăn vào và khả năng tiêu hóa lá sắn dây (Pueraria thomsoniBenth.) và lá vông (Erythrina variegate L.) của thỏ lai (New Zealand x địa phương)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Thị Lan Phương, Nguyễn Minh Hoàn, Đặng Thị Thu Hiền, Vũ Thị Minh Phương - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định lượng ăn vào và khả năng tiêu hóa lá sắn dây (Pueraria thomsoniBenth.) và lá vông (Erythrina variegate L.) của thỏ lai (New Zealand x Địa Phương). Mười sáu thỏ đực lai được bố trí ngẫu nhiên vào 2 nghiệm thức với 8 lần lặp lại. Ở mỗi nghiệm thức, thỏ được ăn tương ứng 100% lá sắn dây hoặc 100% lá vông dạng tươi.
Thiết kế thí nghiệm tiêu hóa trên thỏ theo khuyến cáo của Perez và cs. (1995). Mười sáu thỏ đực lai (New Zealand x Địa Phương) được bố trí ngẫu nhiên hoàn toàn (CRD) vào 2 nghiệm thức với 8 lần lặp lại. Mỗi nghiệm thức tương ứng với thỏ được ăn 100% lá sắn dây hoặc 100% lá vông ở dạng tươi. Thỏ được cho ăn và uống tự do theo nhu cầu của chúng. Mỗi đơn vị thí nghiệm là 1 thỏ được nuôi trong 1 ô chuồng tiêu hóa. Thí nghiệm kéo dài 11 ngày theo khuyến cáo của Perez và cs. (1995), trong đó 7 ngày đầu là để thỏ thích nghi với thức ăn thí nghiệm còn 4 ngày sau tiến hành thu thập số liệu về lượng ăn vào và lượng phân bài tiết ra để xác định tỷ lệ tiêu hóa.
Các chỉ tiêu theo dõi: Lượng ăn vào các chất dinh dưỡng của thỏ (g/con/ngày); lượng phân bài tiết ra, thành phần hoá học của thức ăn và phân,và tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến các chất dinh dưỡng (%).
Kết quả thu được cho thấy lượng ăn vào của thỏ trong cả giai đoạn thí nghiệm ở nghiệm thức ăn lá sắn dây và lá vông giống nhau (p>0,05). Tỷ lệ tiêu hóa vật chất khô (DM), chất hữu cơ (OM), protein thô (CP), xơ thô (CF) và xơ không tan trong môi trường axit (ADF) của thỏ ở nghiệm thức ăn lá sắn dây cao hơn ở nghiệm thức ăn lá vông (p<0,05), ngoại trừxơ không tan trong môi trường thuỷ phân trung tính (NDF). Tỷ lệ tiêu hóa DM, OM, CP, CF, ADF và NDF của thỏ lần lượt là 57,33-69,15%; 57,01-68,78%; 66,68-75,33%; 46,74-64,02%; 46,82-20,26% và 56,63-63,45%. Lá sắn dây và lá vông là nguồn thức ăn xanh có giá trị cho thỏ.
Tạp Chí Khoa học Và công nghệ nông nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế, Tập 7(2)-2023:3648-3655