Vĩnh Phúc: Tạo đột phá trong ứng dụng CNTT thông qua áp dụng ISO 9001 điện tử
Ứng dụng ISO bản điện tử là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc gồm PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành), SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh). ISO 9001:2015 bản điện tử cùng hệ thống chính quyền điện tử sẽ góp phần phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ảnh minh họa
Nhiều năm qua, Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc đã áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 hệ thống hóa quy trình xử lý công việc một cách khoa học, phù hợp quy định của pháp luật. Việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 giúp lãnh đạo Sở điều hành, kiểm soát tốt quá trình giải quyết công việc; công chức, viên chức cơ quan và các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ rõ ràng, công khai, minh bạch, góp phần cải cách chế độ công vụ, công chức.
Để tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, Sở KH&CN nghiên cứu, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương và phương án tích hợp ISO điện tử với nền tảng chính quyền điện tử tỉnh.
Theo dự kiến, năm 2023, Sở KH&CN chủ trì, làm thí điểm tại 3 cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, sau đó triển khai nhân rộng; mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện số hóa và chuyển đổi số hệ thống tài liệu, hồ sơ ISO 9001:2015 từ ISO bản giấy sang ISO bản điện tử.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 175 cơ quan đang duy trì, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 (trong đó, có 39 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thuộc diện bắt buộc áp dụng; 136 xã, phường, thị trấn thuộc diện khuyến khích áp dụng).
Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; sự chủ động tham mưu, đề xuất của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh.
Kinh phí phân bổ cho hoạt động áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL hằng năm được đảm bảo; các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã được tập huấn, nâng cao kỹ năng áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL. Các đơn vị đã tích cực và nghiêm túc thực hiện việc duy trì, cải tiến HTQLCL theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Việc xây dựng quy trình thực hiện TCVN ISO 9001:2015 gắn với thủ tục hành chính đã giúp cho công việc của cơ quan được rõ ràng, khoa học hơn; xác định rõ chức danh, nhiệm vụ cụ thể của từng công chức, viên chức, mối quan hệ, sự phối hợp chặt chẽ giữa trong và ngoài đơn vị; kiểm soát tốt tài liệu, hồ sơ dễ tìm, dễ thấy, dễ kiểm tra mang lại hiệu quả công việc cao hơn, minh bạch và tiết kiệm thời gian hơn.
Để đảm bảo tiến độ quá trình chuyển đổi số hệ thống tài liệu, hồ sơ ISO 9001:2015 từ ISO bản giấy sang ISO bản điện tử, bắt đầu từ năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tập huấn về hoạt động áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo TCVN 9001:2015 cho từng cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và huyện hiểu, thực hiện đúng và có nhiều thời gian để giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý ISO 9001:2015 tại đơn vị, địa phương.
Phấn đấu năm 2024, Đề án số hóa và chuyển đổi số hệ thống tài liệu, hồ sơ ISO 9001:2015 tỉnh sang ISO bản điện tử sẽ triển khai tại hơn 50% các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã; đến năm 2025, đạt 100%.
Sở KH&CN chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị theo kế hoạch; phối hợp đào tạo, tập huấn cho các cơ quan áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã; kịp thời xử lý, đề xuất điều chỉnh các nội dung phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Ứng dụng ISO bản điện tử là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh gồm PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành), SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh). ISO 9001:2015 bản điện tử cùng hệ thống chính quyền điện tử sẽ góp phần phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.