Phân tích, định danh và đánh giá hoạt tính kháng cỏ dại của các hợp chất hóa học trong cây mai dương
“Phân tích, định danh và đánh giá hoạt tính kháng cỏ dại của các hợp chất hóa học trong cây mai dương” là nghiên cứu do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện, TS. Đỗ Tấn Khang làm chủ nhiệm. Nghiên cứu được Sở KH&CN Cần Thơ nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN năm 2021.
Cây mai dương (Mimosa pigra), tên thường gọi: mai dương, trinh nữ nâu, cây ngưu ma vương, mắc cỡ Mỹ, mắt mèo có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Tại Việt Nam, cây mai dương được báo cáo xuất hiện lần đầu tiên tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An vào năm 1979. Cây mai dương hiện nằm trong nhóm 100 cây xâm thực nguy hiểm nhất trên thế giới. Hiện nay, cây mai dương đã và đang xâm lấn nhiều vùng miền trên đất nước ta, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng lên các hệ sinh thái. Cây có sức sống mạnh mẽ và khả năng lây lan phát tán dễ dàng, cộng thêm điều kiện khí hậu địa lý của đất nước ta thuận lợi cho sự phát triển của cây, vì thế gây khó khăn cho việc ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt cây mai dương. Nhiều hợp chất thuộc các nhóm flavonoid, polyphenol, glycoside, lignan đã được tìm thấy trong lá cây mai dương. Các hợp chất này được đánh giá có khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa cao.
Nghiên cứu được thực hiện tại các phòng thí nghiệm và nhà lưới thuộc Khoa Khoa học tự nhiên, Khoa Nông nghiệp và Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Cần Thơ; Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Mẫu toàn cây mai dương được thu thập ở các khu đất hoang ở quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy thành phố Cần Thơ. Mẫu được chọn thu là các cây già, có đường kính thân >1cm, có mang hoa và quả. Sau khi thu mẫu được trộn lẫn và sau đó các bộ phận được phân tách bao gồm: rễ, thân, lá, quả, hoa và hạt. Sau đó mẫu được sấy khô ở 40oC, xay mịn bằng máy xay (dung tích 10L) để thu được các bột khô của các bộ phận tương ứng. Mẫu được định danh bằng hình thái dựa theo mô tả của Nguyễn Nghĩa Thìn (2006) và đoạn trình tự ITS (Internal Transcribed Spacer) và gen matK. Điều chế cao chiết: Các mẫu bột từ các bộ phận cây mai dương được ngâm với dung môi methanol ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ, sau đó dịch ngâm được lọc, cô quay và dung môi thu hồi được sử dụng để ngâm lần 2 và lần 3. Dịch chiết sau 3 lần ngâm được gom lại và cô quay với nhiệt độ 50oC sau đó được cho vài chai thủy tinh và trữ ở 4oC cho các thí nghiệm tiếp theo.
Kết quả ghi nhận hoạt tính ức chế thực vật của các bộ phận cho thấy trái và lá có hoạt tính cao hơn cao chiết các bộ phận khác; Cao phân đoạn ethyl acetate của lá và trái đều thể hiện hoạt tính ức chế cỏ mạnh; Có sáu hợp chất đã được phân tách từ phân đoạn ethyl acetate bao gồm MD01-Chrysoeriol, MD03-Methyl gallate, MD04-Daucosterol, MD05-Quercetin, MD06-Lupeol, MD07-Stigmastane-3,6-dione. Trong đó hợp chất MD05-Quercetin có hoạt tính ức chế thực vật cao nhất đối với cỏ lồng vực. Quy trình ly trích cao chiết có hàm lượng quercetin cao được tối ưu dựa trên nồng độ dung môi ethanol 60% với sự hỗ trợ của sóng siêu âm ở 500W trong 1 giờ. Hoạt chất được ly trích có thể ứng dụng trong công thức hóa thuốc diệt cỏ sinh học.
Bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ - Casti.