Phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng cải thiện sinh kế của cộng đồng: Nghiên cứu trường hợp tại huyện Nam Đông– tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu do nhóm tác giả Mai Thanh Sơn, Ubukata Fumikazu - Trường Đại học Okayama, Nhật Bản, Mai Thị Khánh Vân - Trường Du lịch -Đại học Huế, Nguyễn Thị Thanh Hương - Trường Đại học Quảng Bình thực hiện.
Ảnh minh họa
Nông nghiệp là ngành sản xuất nắm giữ vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, khi phần lớn người dân sống ở nông thôn (Seaman và cs., 2014). Tuy nhiên, với sự biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết như hiện nay, nông nghiệp truyền thống khó đảm bảo khả năng trang trải cho cuộc sống của người nông dân, vậy nên cần có sự đa dạng hóa thu nhập và tạo ra các sinh kế mới cho trang trại (Asante và cs., 2017). Du lịch nông nghiệp, nông thôn được xem là một hoạt động sản xuất, kinh doanh mới nhằm góp phần khắc phục những vấn đề trên. Trong đó, du lịch nông nghiệp là thuật ngữ để mô tả một loại hình du lịch cung cấp các dịch vụ giải trí, thư giãn và giáo dục cho du khách dựa trên các hoạtđộng sản xuất nông nghiệp (Arroyo và cs., 2013). Người nông dân có thể nâng cao thu nhập từ việc tận dụng được các nguồn lực sẵn có của trang trại, giải quyết đầu ra của nông sản, hạn chế sự ảnh hưởng từ những biến động của thị trường (Schilling và cs., 2012).
Du lịch nông thôn có ba loại hình chính là du lịch cộng đồng (DLCĐ), du lịch nông nghiệp (DLNN) và du lịch sinh thái (DLST) (Alberta, 2010). Tiêu biểu cho hình thức du lịch nông nghiệp có thể kể đến các hoạt động du lịch nhà vườn, tham quan đồi chè ở Thái Nguyên, trang trại cà phê ở Đắk Lắk, hay cánh đồng sen ở Đồng Tháp, thưởng thức những vườn trái cây ở miền Tây sông nước. Việc phát triển du lịch dựa trên nông nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao giá trị nông sản, cải thiện đời sống của người nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn, cũng như tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội (Lan và cs., 2020).
Nghiên cứu này đánh giá tổng quan thực trạng phát triển và các hạn chế của hoạt động du lịch nông nghiệp (DLNN) tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quá trình điều tra được thực hiện dựa trên số liệu phỏng vấn 30 hộ tham gia DLNN.
Kết quả cho thấy, thu nhập từ DLNN đóng góp khoảng 9,4% tổng thu nhập của các hộ dân. Dịch vụ du lịch bao gồm bán lẻ nông sản và cung cấp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, nhưng còn thiếu các cơ sở lưu trú. Khi đánh giá vai trò các bên liên quan, 83,4% hộ dân cho rằng sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ làm DLNN là quan trọng nhất cho thành công của hoạt động sinh kế này. Tuy nhiên, DLNN còn hoạt động hạn chế do nguyên nhân chính là thiếu hụt chính sách hỗ trợ từ chính quyền. Để đảm bảo cho DLNNphát triển bền vững, chính quyền địa phương nên có thêm cơ chế khuyến khích hoạt động cũng như xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Tạp chí khoa học và công nghệ nông nghiệp, tập 7(2)-2023:3686-3699