SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kỹ thuật kích thích sinh sản ngao móng tay chúa (Cultellus maximus GMELIN, 1791)

[13/07/2023 14:03]

Nghiên cứu: “Kỹ thuật kích thích sinh sản ngao móng tay chúa (Cultellus maximus GMELIN, 1791)” do tác giả: Trần Ngọc Hiểu - Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.

Ảnh minh họa

Việt Nam là một trong những nước có sản lượng nuôi động vật thân mềm lớn, đến năm 2015, diện tích nuôi động vật thân mềm là 34.730 ha, năng suất 7,7 tấn/ha, đạt sản lượng 269.161 tấn, đạt giá trị xuất khẩu 350 triệu USD và tạo việc làm cho 15.000 người. Động vật thân mềm đang được xem là những đối tượng ưu thế trong chiến lược phát triển nuôi biển của nước ta hiện nay, vì vậy trong những năm gần đây nghiên cứu về động vật thân mềm đã được nhiều tác giả quan tâm. Trong đó, nghiên cứu về sản xuất giống nhân tạo và phương pháp ương nuôi ấu trùng đặc biệt được chú trọng (Nguyễn Quang Hùng và ctv., 2009). Nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng động vật thân mềm có giá trị kinh tế là điều kiện cần thiết để bổ sung thêm nguồn cung cấp giống cho người nuôi vì nguồn giống ngoài tự nhiên bị suy giảm do khai thác (Nguyễn Thị Xuân Thu, 2005). Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nghiên cứu về sản xuất giống nhân tạo các đối tượng động vật thân mềm được khá nhiều tác giả quan tâm và đến nay đã xây dựng nhiều quy trình sản xuất giống cho các đối tượng động vật thân mềm có giá trị kinh tế cao. Trong nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, việc xác định được phương pháp kích thích đẻ trứng, phóng tinh, ương nuôi và phương pháp quản lý bể ương ấu trùng là những vấn đề mấu chốt (Ngô Anh Tuấn, 2012). Một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học sinh sản của các đối tượng động vật thân mềm đã được công bố như: sò huyết (Hoàng Bích Đào, 2001; 2003), tu hài (Lutraria philippinarum) (Đào Minh Đông, 2004; Hà Đức Thắng, 2004b), ngao dầu (Meretrix meretrix) (Dương Văn Hiệp, 2005), bào ngư (Haliotis spp.) (Lê Đức Minh, 2000) vẹm xanh (Perna viridis) (Hà Đức Thắng, 2004a), sò điệp quạt (Chlamys nobilis) (Nguyễn Thị Xuân Thu, 1998) và sò điệp seo (Comptopallium radul) (Ngô Anh Tuấn, 2001). Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản của ngao móng tay chúa cũng như là các biện pháp kích thích sinh sản ngao móng tay chúa được công bố tại Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định các biện pháp kỹ thuật kích thích sinh sản ngao móng tay chúa (Cultellus maximus). Đây là một nội dung của đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thử nghiệm cho sinh sản giống ngao móng tay chúa (Sinonovacula sp.) tại tỉnh Cà Mau”.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định các biện pháp kỹ thuật kích thích sinh sản ngao móng tay chúa (Cultellus maximus) thích hợp nhằm bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, chủ động nguồn giống và đa dạng đối tượng nuôi. Nghiên cứu thực hiện với 5 biện pháp kỹ thuật kích thích sinh sản bao gồm: Kích thích sinh sản bằng tăng nhiệt độ, kích thích sinh sản bằng cách tăng nhiệt độ kết hợp với dòng chảy, kích thích sinh sản bằng tăng nhiệt độ và NH4 OH kết hợp với dòng chảy, kích thích sinh sản bằng cách tiêm Serotonin, kích thích sinh sản bằng phương pháp hạ nhiệt độ xuống 180 C trong thời gian 45 phút kết hợp với dòng chảy 2m3 /30 phút.

Kết quả cho thấy: kích thích sinh sản bằng cách hạ nhiệt độ đến 180 C trong 45 phút kết hợp tạo dòng chảy có các chỉ tiêu sinh sản tối ưu nhất với tỷ lệ sinh sản (38,33 ± 2,89%), tỷ lệ thụ tinh (85,81 ± 2,82%), tỷ lệ nở (81,75 ± 4,60%) có thể ứng dụng để kích thích sinh sản cho ngao móng tay chúa (Cultellus maximus).

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 10/2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài