SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của 17α – METHYLTESTOSTERON lên chất lượng màu sắc của cá bảy màu (Poecilia reticulata)

[14/07/2023 08:14]

Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của 17α – METHYLTESTOSTERON lên chất lượng màu sắc của cá bảy màu (Poecilia reticulata)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Kim Liên - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Vũ Cẩm Lương- Khoa thủy Sản,Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa

Tại thành phố Hồ Chí Minh, cá cảnh được xem là một trong những đối tượng nuôi chủ lực và đã trở thành một ngành kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 9 tháng đầu năm 2013, thành phố đã xuất khẩu hơn 7 triệu cá cảnh, lượng cá cảnh xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến với mức hơn 32% so với cùng kỳ năm 2012 (Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, 2012). Trong các loài cá cảnh xuất khẩu, cá cảnh nước ngọt có 60 loài (chiếm 99%), trong đó sản lượng chủ yếu là cá Bảy màu (Poecilia reticulata), dĩa (Symphysodon spp), ông tiên (Pterophyllum spp.), hòa lan (Xiphophorus spp.), hồng kim (Xiphophorus hellerii Heckel, 1848), moly (Poecilia spp.)…. Riêng về số lượng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cá bảy màu hiện đang đứng hàng đầu, với lượng xuất khẩu hơn 2 triệu con/năm (Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, 2012). Cá bảy màu là một trong những loài cá cảnh phổ biến nhất ở Việt Nam. So với cá cái, cá bảy màu đực luôn được ưa chuộng và có lợi thế kinh doanh vì có màu sắc vượt trội, cũng như có các dạng vây đuôi và lưng thật đa dạng, đẹp mắt. Nếu để cá sinh sản tự nhiên thì tỉ lệ cá đực và cá cái trung bình là 1:1, điều này không có lợi cho người nuôi và kinh doanh cá bảy màu vì để nhận diện và loại cá cái thì phải ương nuôi đến 90 ngày tuổi. Các nghiên cứu đực hóa cá Bảy màu đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay (Pandian và Sheela, 1995; Dzwillo 1962; 1966) tuy nhiên hiện vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá về chất lượng màu sắc của cá bảy màu sử dụng 17α - MT trong quá trình đực hóa. Việc nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của 17α - MT lên chất lượng màu sắc của cá bảy màu có thể là gợi ý về tính hiệu quả của giải pháp này.

Sản xuất cá bảy màu toàn đực đã được ứng dụng cho mục đích thương mại, tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu báo cáo về chất lượng màu sắc của cá bảy màu đực được chuyển đổi giới tính. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của 17α - Methyltestosteron (17α - MT) lên chất lượng màu sắc của cá bảy màu (Poecilia reticulata). Trong nghiên cứu này, cá bảy màu mẹ đang mang thai được cho ăn thức ăn có chứa 17α- MT với liều 300, 400 và 500 mg/kg thức ăn trong thời gian từ 5 – 9 ngày trước khi đẻ. Kết quả sản xuất được 94,9 - 98,8% cá bảy màu đực, trong đó có thể phân biệt được cá đực XX so với cá đực XY ở 90 ngày tuổi thông qua kích thước thân và hình dạng vây đuôi. Việc kiểm tra thêm cá đực XX được tiến hành qua giao phối với cá cái XX đã cho kết quả 96,5% cá cái ở 90 ngày tuổi. Kết quả cũng chỉ ra rằng 17α – MT đã không thể cải thiện thêm chất lượng màu sắc của cá đực XY so với cá XY đối chứng, trong khi chất lượng màu sắc của cá đực XX được cải thiện tương đương với cá XY đối chứng ở phần thân nhưng kém đẹp hơn cá XY đối chứng ở các vây lưng và đuôi.

Cá cái XX mang thai ăn 17α - MT với liều 300 - 500 mg/kg thức ăn trong thời gian 5 - 9 ngày trước khi cá đẻ có thể sản xuất được tỷ lệ 94,9-98,8% cá bảy màu đực. Có thể phân biệt được cá đực XX so với cá đực XY ở 90 ngày tuổi thông qua kích thước thân và hình dạng vây đuôi. Việc kiểm tra thêm cá đực XX được tiến hành qua giao phối với cá cái XX đã cho kết quả 96,5% cá cái ở 90 ngày tuổi. Kết quả cũng chỉ ra rằng 17α – MT đã không thể cải thiện thêm chất lượng màu sắc của cá đực XY so với cá đực XY đối chứng, trong khi chất lượng màu sắc của cá đực XX được cải thiện tương đương với cá XY đối chứng ở phần thân nhưng kém đẹp hơn cá XY đối chứng ở các vây lưng và đuôi. Việc tạo cá bảy màu toàn đực bằng17α - MT đã chưa thể tạo được cá đực XX đẹp tương đương cá đực XY. Đề nghị nên có hướng nghiên cứu tạo cá siêu đực YY và cho giao phối cá siêu đực YY với cá cái XX để tạo ra 100% cá đực XY cung cấp cho thị trường.

Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 9/2017
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ