Nghiên cứu tình trạng diện cắt vòng quanh qua phẫu thuật nội soi điều trị ung thư trực tràng: kết quả theo dõi 2 năm sau mổ
“Nghiên cứu tình trạng diện cắt vòng quanh qua phẫu thuật nội soi điều trị ung thư trực tràng: kết quả theo dõi 2 năm sau mổ” do Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chủ trì thực hiện, PGS.TS.BS.Phạm Văn Năng làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ đã được Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ nghiệm thu năm 2021.
Tại Việt Nam, theo thống kê của tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế năm 2012, tần suất ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở nam và đứng hàng thứ 6 ở nữ. Trước đây, việc áp dụng phương pháp cắt đoạn trực tràng đơn thuần khá phổ biến. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát tại chỗ sau 5 năm khá cao khoảng 15 - 45%, tỷ lệ sống còn sau 5 năm chỉ khoảng 27 – 42%. Phẫu thuật để đạt được diện cắt không còn tế bào ác tính là điều rất quan trọng về mặt ung bướu học trong điều trị ung thư đại trực tràng. Đảm bảo diện cắt an toàn trong ung thư trực tràng là khó khăn hơn so với ung thư đại tràng vì vị trí giải phẫu của trực tràng trong vùng chậu. Để thấy rõ hơn vai trò của diện cắt vòng quanh trong ung thư trực tràng, đặc biệt ý nghĩa của tình trạng diện cắt vòng quanh đối với vấn đề tái phát tại chỗ, di căn xa, thời gian sống thêm không bệnh, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu theo dõi lâu dài bệnh nhân sau phẫu thuật. Kết quả đạt được nhằm góp phần nhỏ vào y văn trong nước cũng như trên thế giới.
Nghiên cứu thực hiện trên 83 bệnh nhân ung thư trực tràng, được phẫu thuật triệt căn bằng phẫu thuật nội soi tại bệnh viện trường đại học Y Dược Cần Thơ từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2020 nhóm tác giả rút ra một số kết luận sau:
- Đặc điểm lâm sàng và một số đặc điểm kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị ung thư trực tràng: (1) Đặc điểm lâm sàng: Tuổi trung bình là 62,6 ± 11,6 tuổi, lứa tuổi thường gặp nhất là 50 –70 tuổi (68,7%); Tỷ lệ nam/nữ = 1,07; Kích thước khối u trung bình là 4,2 ± 1,3 cm, u có kích thước > 5 cm chiếm tỷ lệ 16,9%; Vị trí khối u đa số nằm ở trực tràng trên và giữa chiếm tỷ lệ 79,5%; Nồng độ CEA trước mổ > 5ng/ml chiếm tỷ lệ 37,3%. (2) Một số đặc điểm phẫu thuật: Phẫu thuật bảo tồn cơ thắt chiếm tỷ lệ chủ yếu là 86,8%; phẫu thuật Miles chiếm tỷ lệ 13,2%; Thời gian mổ trung bình của phẫu thuật nội soi đối với bệnh nhân ung thư trực tràng là 232 ± 61,4 phút; Không có tai biến xảy ra trong thời gian phẫu thuật; Không có trường hợp nào chuyển mổ mở.
- Kết quả sớm phẫu thuật nội soi điều trị ung thư trực tràng: Thời gian có trung tiện trở lại sau mổ trung bình là 39,6 ± 17,6 giờ; Thời gian nằm viện sau mổ trung bình là 9,3 ± 2,5 ngày; Không có bệnh nhân tử vong trong mổ và trong thời gian hậu phẫu; Tỷ lệ biến chứng chung sau mổ là 13,2%. Tỷ lệ xì miệng nối là 6%, chảy máu miệng nối là 1,2%.
- Đặc điểm giải phẫu bệnh của khối u: Ung thư dạng biệt hóa vừa chiếm tỷ lệ chủ yếu 85,5%; Đa phần khối u khi phẫu thuật ở giai đoạn T3, T4a chiếm tỷ lệ 88%; Số lượng hạch nạo vét được trung bình là 11 ± 4,0 hạch, di căn hạch N1 là 15,7%, di căn hạch N2 là 22,9%; Chất lượng bệnh phẩm phẫu thuật tốt chiếm tỷ lệ 47%, trung bình chiếm 43,4% và chất lượng kém chiếm 9,6%; Tỷ lệ DCVQ (+): 33,7%; Các yếu tới ảnh hưởng tới DCVQ (+) là: độ biệt hóa kém, xâm lấn u càng sâu (T), di căn hạch (N), chất lượng bệnh phẩm phẫu thuật kém.
Quý bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn kết quả dự án tại Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ – CASTI.
Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ – CASTI