SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng mô hình sản xuất nhãn E-Dor theo tiêu chuẩn VietGAP tại Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ

[28/07/2023 15:24]

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn E-Dor theo tiêu chuẩn VietGAP tại Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện, PGS.TS. Trần Văn Hâu làm chủ nhiệm. Dự án được Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ nghiệm thu năm 2021.

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm là một tiêu chí khá quan trọng rất được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt là các thị trường cao cấp, khó tính nên sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là xu hướng chung ở trong nước cũng như trên thế giới. Các loại trái cây đạt tiêu chuẩn GAP là chứng nhận hay là giấy thông hành giúp các sản phẩm nầy xâm nhập các thị trường có uy tín, sản phẩm bán được nhiều hơn nhưng giá cả không phải lúc nào cũng cao hơn. Đây là trở ngại lớn đối với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ của chúng ta hiện nay.

Tại khu vực Thới Trinh, phường Thới An, đang là khu vực có diện tích trồng nhãn E-Dor lớn nhất của phường với tổng diện tích trồng nhãn ước tính hơn 40 ha nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để phát triển bền vững. Vườn trồng nhãn của nông dân do đầu ra vẫn còn bấp bên chưa ổn định nên đời sống của người dân ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhãn E-Dor tại phường Thới An giá cả bấp bên cùng với khả năng tiêu thụ chưa được cao nên việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm là việc làm cấp thiết. Hợp tác xã Thới Trinh đã liên kết với hơn 60 nhà vườn của khu vực để cùng liên kết sản xuất giải quyết đầu ra ổn định và hiệu quả cho trái nhãn và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Nhưng đến nay đầu ra của trái nhãn vẫn chưa được giải quyết do chưa định hướng được hướng đi hiệu quả. Chính vì vậy, dự án này nhằm xây dựng vùng nguyên liệu nhãn E-Dor đặc thù cho quận Ô Môn. Nâng cao sinh kế hộ dân trồng nhãn E-Dor, góp phần xây dựng sản phẩm đặc trưng của quận Ô Môn để tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Sau thời gian thực hiện dự án, nhóm tác giả đã:  (1) Xây dựng mô hình sản xuất nhãn cho HTX NN Thới Trinh đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 28,88 ha (vượt 2 ha). Xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm liên kết ngang giữa 30 nông hộ với diện tích 30,38 ha và liên kết dọc với Cty xuất khẩu trái cây Vina T&T. Tuy nhiên, do tình hình xuất khẩu bị đình truệ do thay đổi dư lượng lưu huỳnh trong trái nên ký kết tiêu thụ chưa thực hiện được. (2) Mô hình áp dụng quy trình xử lý ra hoa nhãn mới đã có hiệu quả làm giảm chi phí phân bón 23% và hóa chất xử lý ra hoa KClO3 55%, làm tăng năng suất và chất lượng dẫn đến tăng lãi thuần 33,6%, hiệu quả đồng vốn có hay không có chi phí cơ hội tăng 53% và 74%, theo thứ tự; (3) Đã hình thành HTX NN Thới Trinh và đăng ký nhãn hiệu nhãn IDO Thới Trinh Quận Ô Môn; (4) Xử lý ra hoa với liều lượng 50-100 g/m đkt cho cây 5-10 năn tuổi có tỷ lệ rễ bị tổn thương thấp (<40%), tỷ lệ ra hoa >80%, đạt năng suất từ 115-118 kg/cây. Xử lý ra hoa với các liều lượng khác nhau không ảnh hưởng đến phẩm chất trái nhãn E-Dor.

Qua đó, nhóm tác giã cũng đề xuất xử lý ra hoa nhãn E-Dor bằng biện pháp tưới Chlorate kali vào đất với liều lượng 50-100 g/m đường kính tán cho cây nhãn 5-10 năm tuổi; Tiếp tục duy trì và phát triển mô hình sản xuất nhãn cho HTX NN Thới Trinh theo tiêu chuẩn VietGAP để thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn E-Dor xuất khẩu trong thời gian tới.

Quý bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn kết quả của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ.

Casti
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài