Nghiên cứu mối liên quan nhân quả và tối ưu hóa quy trình chiết xuất dược liệu mật nhân
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Dân Phúc, Phạm Ngọc Thạc, Huỳnh Trần Quốc Dũng, Dương Hồng Tố Quyên, Nguyễn Phương Nam và Đỗ Quang Dương thực hiện.
Ảnh minh họa
Mật nhân (Eurycoma longifolia Jack) là dược liệu cổ truyền được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước như Indonesia, Việt Nam, Lào… trong điều trị các bệnh cao huyết áp, ung thư, táo bón, cảm, sốt rét và đặc biệt là tác dụng trong điều trị rối loạn cương dương. Quassinoid là nhóm chất đặc trưng mang lại tác dụng chính cho dược liệu mật nhân. Eurycomanon là một hoạt chất sinh học quan trọng có tác dụng làm tăng quá trình tổng hợp testosteron ở tế bào Leydig bằng cách ức chế sự chuyển đổi testosteron thành estrogen và được sử dụng làm chất đánh dấu cho cao chiết mật nhân. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là thiết lập mối liên quan nhân quả và tối ưu hóa quy trình chiết xuất dược liệu mật nhân để hiệu suất chiết cao và hiệu suất chiết eurycomanon đồng thời cao nhất.
Đối tượng
Dược liệu mật nhân (Radix Eurycomae longifoliae) (đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V) được cung cấp bởi BS. CKI. Hồ Việt Sang, Hội Đông Y, tỉnh Dak Lak tháng 6/2019.
Phương pháp nghiên cứu
Mật nhân khô được xay nhỏ và chiết bằng phương pháp đun hồi lưu với dung môi là nước. Mỗi thực nghiệm được tiến hành với 100 g dược liệu mật nhân. Nhiệt độ chiết, tỷ lệ dung môi/dược liệu và số lần chiết Mật nhân thay đổi theo thiết kế thí nghiệm với thời gian mỗi lần chiết là 2 tiếng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ dữ liệu thực nghiệm, nghiên cứu đã xây dựng được mối liên quan nhân quả giữa điều kiện chiết xuất dược liệu mật nhân (số lần chiết, tỷ lệ dung môi/dược liệu và nhiệt độ chiết) với hiệu suất chiết eurycomanon và hiệu suất chiết cao. Quy trình chiết xuất dược liệu mật nhân được tối ưu có thể là tiền đề quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cao chiết mật nhân và các sản phẩm liên quan.
Tạp chí y dược học, Tập. 60 Số. 5 (2020)