Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc: Những rào cản hành lang pháp lý
Nghiên cứu tế bào gốc (TBG) phục vụ khám chữa bệnh ở nước ta đã được biết đến từ những năm 1990. Tuy nhiên, những hạn chế của hành lang pháp lý cùng sự đầu tư nghiên cứu dàn trải khiến việc ứng dụng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Thành quả 5 năm
Cách đây hơn 5 năm (12-2006), tại Đại học Y Dược TPHCM,
hội thảo khoa học về TBG “Từ khám phá đến ứng dụng” đã được tổ chức, tập hợp
nhiều chuyên gia trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực y sinh học. Theo GS-TSKH
Phạm Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ban điều phối nhà nước về TBG, sau hội thảo, Bộ KH-CN
đã ban hành Quyết định 53/QD-BKHCN về xây dựng hệ thống ngân hàng TBG và ứng
dụng trong y sinh học và đặc biệt là Quyết định 279/QD-BKHN về việc thành lập
một ban điều phối nhà nước về TBG, đồng thời xác định việc nghiên cứu và ứng dụng
TBG trở thành nhiệm vụ KH-CN quốc gia.
Kể từ đó, hàng loạt các nhóm nghiên cứu về TBG được
thành lập, bước đầu có những kết quả tốt trong lĩnh vực này. Đơn cử như đề tài
“Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật chiết tách tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn
để điều trị bệnh lý về máu” do nhóm PGS-BS CKII Trần Văn Bé (Đại học Y khoa
Phạm Ngọc Thạch) thực hiện từ năm 2002. Nhóm PGS-BS Bé đã thu thập máu cuống
rốn từ sản phụ mới sinh và tiến hành ghép cho 5 bệnh nhân từ 6-16 tuổi mắc bệnh
bạch cầu cấp và bệnh Thalassemia. Thành công của nghiên cứu dẫn đến việc thành lập
ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, nhóm PGS-TS Trần Công
Toại, Th.S Phan Kim Ngọc và Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng TBG (Đại
học KHTN TPHCM) triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tế bào vùng rìa giác mạc
và bước đầu biệt hóa TBG máu cuống rốn người”, thử nghiệm chữa trị trên 30 bệnh
nhân mắc hội chứng Steven Johnson, mộng thịt… tại Bệnh viện Mắt TPHCM. Tổng kết
trong 5 năm, TPHCM đã thực hiện tổng cộng 6 đề tài nghiên cứu (cả nước là 18 đề
tài) với nguồn kinh phí lên đến 13,4 tỷ đồng. Ngân hàng TBG đầu tiên của Việt Nam cũng đã
được thành lập tại Công ty CP Hóa-Dược phẩm Mekophar (TPHCM).
Còn nhiều rào cản
Mặc dù các kết quả nghiên cứu bước đầu đã thành công
trong việc biệt hóa các TBG điều trị các bệnh về da, xương khớp, xơ gan… nhưng
theo nhiều nhà khoa học, công tác nghiên cứu TBG của ta hiện nay quá dàn trải
trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp. Từ đó, phần lớn các nghiên cứu chỉ
dừng lại ở mức tiền lâm sàng. “Dựa trên một nghiên cứu khoa học, các bác sĩ tại
BV Bạch Mai Hà Nội đã tiến hành bơm TBG vào mạch vành của bệnh nhân điều trị
bệnh tim. Kết quả thu nhận được chỉ dừng lại ở các báo cáo chung chung là có
kết quả tốt. Đáng ra, cần nghiên cứu thêm tác dụng của TBG như thế nào sau khi
bơm vào để xác định chính xác thành công ở mức nào, có cải tiến thêm được gì không?”,
GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng đơn cử. Đặc biệt, trong 18 đề tài đã được phép triển
khai trong thời gian qua, chỉ có 2-3 đề tài bước đầu được ứng dụng để điều trị
bệnh tại các bệnh viện. “Chừng đó là quá ít ỏi. Nghiên cứu TBG ở nước ta rất
sớm nhưng công tác ứng dụng lại quá chậm”, GS-TS Trương Đình Kiệt cho biết.
Tuy vậy, hành lang pháp lý được xem là rào cản lớn
nhất. Tại hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc” do Ban điều phối nhà nước
về TBG phối hợp cùng Sở KH-CN TPHCM tổ chức mới đây, DS Đặng Thị Kim Lan, Giám
đốc Ngân hàng TBG MekoStem (Mekophar) thừa nhận: “Qua 3 năm hoạt động, MekoStem
đã thu nhận hàng ngàn mẫu cuống rốn phục vụ biệt hóa TBG. Thế nhưng, ngân hàng
thực sự lúng túng với các câu hỏi của nhiều cá nhân đến hiến rằng: TBG được ứng
dụng chữa bệnh gì chưa? Quyền lợi nhận được của họ sau khi hiến là gì? Cơ chế
gì bảo vệ thông tin và quyền lợi của họ?...
Ngoài ra, MekoStem muốn hợp tác với các ngân hàng nước
ngoài nhằm trao đổi TBG khi bệnh nhân cần, tiếc là vẫn chưa có quy định nào cho
phép”. Trong khi đó, BS Huỳnh Nghĩa, Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM, cho
biết: “Ngân hàng máu cuống rốn của bệnh viện đã tiếp nhận 2.400 mẫu. Kết quả
trên có được là nhờ vào tấm lòng của các cá nhân hảo tâm đóng góp. Thế nhưng,
với người hiến và cả bệnh nhân điều trị bằng TBG, bảo hiểm xã hội vẫn chưa có
chế độ chi trả”.
Từ đó, các đại biểu tham dự hội thảo mong muốn Bộ KH-CN
và Bộ Y tế cần xây dựng các văn bản pháp luật liên tịch nhằm hướng dẫn và hỗ
trợ ứng dụng TBG vào công tác khám chữa bệnh trong thời gian tới. “Xây dựng văn
bản pháp luật là cần thiết vì công tác nghiên cứu và ứng dụng các nghiên cứu về
TBG cho khám chữa bệnh còn quá nhiều rào cản, nhất là các quy định về y đức
trong nghiên cứu”, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm.