Nghiên cứu mối liên quan nhân quả và tối ưu hóa công thức giá mang nano lipid chứa quercetin và curcumin
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Tần Bảo Châu, Đỗ Quang Dương thực hiện.
Hình ảnh minh họa
Quercetin là một flavonoid có tác dụng chống oxi hóa mạnh, làm giảm các tổn thương do tia UV, tăng sinh collagen, làm chậm quá trình lão hóa da, kháng viêm và làm lành vết thương hiệu quả. Curcumin là polyphenol có tác dụng chống oxi hóa, kháng viêm, hỗ trợ làm lành sẹo, vết bỏng và phục hồi nhanh các vết thương hở trên da. Việc kết hợp cả hai hoạt chất giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị và tăng khả năng hấp thu trên da của hoạt chất.
Tuy nhiên, độ tan của quercetin và curcumin trong nước thấp (< 1 µg/ml), độ ổn định kém. Đây là những vấn đề cần được khắc phục trong quá trình phát triển các dạng bào chế dùng trên da cho cả hai hoạt chất này. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật có thể cải thiện độ tan, tăng độ ổn định cho hoạt chất như hệ vi tự nhũ, hệ vi nhũ tương, hệ liposome, giá mang nano lipid (NLC-Nanostructured lipid carriers),... Trong hệ NLC, sự kết hợp lipid lỏng và lipid rắn giúp ức chế quá trình tái kết tinh của phân tử hoạt chất, tăng khả năng tải và chống hiện tượng hoạt chất bị đẩy ra khỏi tiểu phân trong quá trình bảo quản. Hệ NLC có kích thước nhỏ giúp tăng tính thấm của hoạt chất qua da. Vì vậy, hệ NLC được ứng dụng để cải thiện sinh khả dụng qua da và những hạn chế kể trên của quercetin và curcumin.
Hiện nay, chưa có công bố về việc nghiên cứu phối hợp đồng thời hai hoạt chất quercetin và curcumin trên một hệ NLC. Việc cạnh tranh giữa 2 hoạt chất cũng như ảnh hưởng của thành phần tá dược lên khả năng tải và khả năng bắt giữ đồng thời hai hoạt chất quercetin và curcumin trên cùng một hệ NLC chưa được nghiên cứu, đánh giá. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu thiết lập mối liên quan nhân quả và tối ưu hóa công thức giá mang nano lipid chứa đồng thời quercetin và curcumin.
Nguyên liệu, hóa chất
Quercetin (độ tinh khiết 97,83 %) và curcumin (độ tinh khiết 96,89 %); Maisine 35-1, Capryol 90, Labrafac lipophile, Labrafac PG, Labrafac CC, Plurol Oleique CC 497, Labrasol, Transcutol P, Compritol 888ATO, Geleol và PrecirolATO 5; Cremophor RH 40, Cremophor EL, Lutrol E-400, Miglyol 812N.
Phương pháp nghiên cứu
- Khảo sát và lựa chọn tá dược hệ QC-NLC
+ Độ tan của quercetin hoặc curcumin trong tá dược lỏng
+ Tính tan riêng của quercetin hoặc curcumin trong tá dược lipid rắn
+ Khảo sát lựa chọn chất diện hoạt và chất đồng diện hoạt
- Phương pháp điều chế hệ QC-NLC
- Nghiên cứu mối liên quan nhân quả và tối ưu hóa công thức hệ QC-NLC
- Phương pháp xác định kích thước tiểu phân và chỉ số đa phân tán
- Khả năng bắt giữ và tải hoạt chất
Kết luận
Đây là nghiên cứu đầu tiên phối hợp đồng thời 2 hoạt chất quercetin và curcumin trên cùng một hệ NLC. Các tá dược Capryol 90, Compritol 888ATO, Cremophor RH40, Lutrol E-400 đã được lựa chọn làm tá dược lipid lỏng, lipid rắn, chất diện hoạt và chất đồng diện hoạt cho hệ QC-NLC. Mối liên quan nhân quả giữa tínhchất của hệ QC-NLC và thành phần tá dược đã được thiết lập và công thức hệ QC-NLC đã được tối ưu hóa làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo.
Tạp chí y dược học, Tập. 60 Số. 2(2020)