SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành phần hóa học của phân đoạn ethyl acetat cây môn nước (Colocasia esculenta (L.) Schott) thu hái ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

[16/08/2023 14:52]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Quý Thưởng, Hoàng Xuân Huy,Trần Quốc Hưng, Trần Quốc Việt, Lê Thị Phương Hoa, Nguyễn Quang Huy thực hiện.

Hình ảnh minh họa

Môn nước (Colocasia esculenta(L.) Schott) là loại cây được trồng hay mọc hoang dại để lấy dọc (cuống lá) và củ làm lương thực cho người và thức ăn cho gia súc. Trong môn nước ngoài hợp chất nhóm phenol còn chứa nhiều hoạt chất sinh học khác có khả năng chống oxy hóa rất tốt. Các nghiên cứu về tác dụng dược lý cho thấy môn nước có các tác dụng như điều hòa chức năng tim và huyết áp, tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể con người chống lại các chất gây lão hóa da, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Các nghiên cứu gần đây cho thấy dịch chiết methanol từ củ và lá của môn nước có tác dụng kháng lại nhiều loại vi khuẩn, ngoài ra dịch chiết methanol từ các bộ phận trên cũng có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tế bào ưng thư vú ở người. Dịch chiết nước của cây có khả năng khử các gốc tự do, làm giảm các quá trình oxi hóa, vốn là nguyên nhân sâu xa gây ra nhiều loại bệnh tật ở người.

Ở Việt Nam, việc sử dụng cây môn nước trong điều trị một số bệnh đã được biết đến. Tuy vậy, các nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng sinh học để phát triển sử dụng dược liệu này vẫn còn hạn chế. Bài báo này trình bày các kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học của môn nước (Colocasia esculenta(L.) Schott) thu hái ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Nguyên liệu thực vật

Cây môn nước (Colocasia esculenta(L.) Schott) thu hái ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tháng 5 năm 2018. Các mẫu sau khi thu hái (thân, lá) được rửa sạch, loại bỏ phần hư hỏng, phơi khô và nghiền thành bột mịn. 4 kg bột được ngâm chiết bằng methanol, cô quay loại dung môi dưới áp suất giảm thu được cao methanol 320 g, hiệu suất chiết cao đạt 8 %. Cao chiết được bảo quản ở nhiệt độ 4oC.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp điều chế các phân đoạn dịch chiết môn nước.

- Phương pháp phân lập và xác định cấu trúc các hợp chất.

Kết luận

Từ phân đoạn cao chiết ethyl acetat của cao chiết tổng methanol cây môn nước đã phân lập được 5 hợp chất thuộc nhóm flavonoid. Sử dụng các phương pháp phổMSvà1D-,2D-NMRvà so sánh với số liệu phổ công bố đã xác định được cấu trúc hóa học của: [(4′,5,7-trihydroxyflavon 8-C-glucosid (vitexin) (CE1),3′,4′,5,7-tetrahydroxyflavon (luteolin) (CE2), 4′,5,7-trihydroxyflavon (apigenin) (CE3), luteolin 6-C-β-D-glucosid (isoorientin) (CE4), apigenin 6-C-β-D-glucosid (isovitexin) (CE5)]. Các hợp chất này lần đầu tiên được phân lập được từ cây môn nước (Colocasia esculenta(L.) Schott) ở Việt Nam.

Tạp chí y dược học, Tập. 60 Số. 2(2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài