SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá thực trạng bán kháng sinh tại cơ sở bán lẻ thuốc ở Việt Nam thông qua phương pháp đóng vai khách hàng

[17/08/2023 08:34]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Thúy, Đỗ Xuân Thắng, Vũ Đình Hòa, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Thanh Bình thực hiện.

Hình ảnh minh họa

Tại các nước có mức thu nhập thấp và trung bình, nhà thuốc là nơi đầu tiên người dân tìm đến khi có vấn đề sức khỏe trước khi tìm kiếm dịch vụ y tế khác. Do đó, người bán thuốc phải có kỹ năng khai thác và cung cấp thông tin phù hợp trong tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhà thuốc thường là địa điểm cung cấp kháng sinh không có đơn tương đối phổ biến cho người bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thực trạng này đang làm gia tăng kháng kháng sinh trên thế giới.

Tại Việt Nam, tình trạng bán kháng sinh không đơn đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu trước đây, khi triển khai tại một số địa phương đơn lẻ, chủ yếu tập trung vào loại hình nhà thuốc, hoặc được thực hiện trong giai đoạn chưa bắt buộc quầy thuốc đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc (Good Pharmacy Practice- GPP). Tiếp cận với câu hỏi nghiên cứu về thực trạng bán kháng sinh không có đơn tại các nhà thuốc, quầy thuốc hiện nay diễn ra như thế nào, nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu (i) Xác định tỷ lệ bán kháng sinh không có đơn tại nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam thông qua phương pháp đóng vai khách hàng và (ii) Đánh giá hoạt động khai thác và cung cấp thông tin của người bán thuốc khi bán kháng sinh.

Đối tượng

Người bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn GPP trên địa bàn 4 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và một số tỉnh đại diện cho các vùng bao gồm: Phú Thọ (Trung du miền núi phía Bắc); Khánh Hòa (Duyên hải miền Trung); Đắc Lắk (Tây Nguyên); Bình Dương (Đông Nam Bộ); Kiên Giang (Đồng bằng sông Cửu Long). Loại trừ các nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện, trạm y tế, phòng khám; nhà thuốc quầy thuốc chuyên bán dược liệu, thuốc cổ truyền trên địa bàn khảo sát.

Phương pháp

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, sử dụng phương pháp đóng vai khách hàng với 2 kịch bản tại mỗi nhà thuốc.

Kết luận

Kháng sinh dễ dàng bán không có đơn khi được yêu cầu tại 100 % các nhà thuốc, quầy thuốc tại các địa phương khảo sát. Tỷ lệ người bán thuốc tự chỉ định kháng sinh cho ARI trẻ em tương đối cao (73,9 %). Cụ thể, người bán thuốc tại các tỉnh, thành phố khác có khả năng bán kháng sinh không đơn cho ARI trẻ em cao hơn 4,225 lần (95 %CI: 2,11 - 7,39) so với người bán thuốc tại Thành phố trung ương đặc biệt (Hà Nội và TP. HCM); tại quầy thuốc nhiều hơn 1,873 lần so với nhà thuốc. Khi tự chỉ định kháng sinh cho trẻ em, cefixim phổ biến nhất (30,3 %) với thời gian chủ yếu dưới 5 ngày (86,1 %). Hoạt động khai thác và cung cấp thông tin khi bán kháng sinh còn rất hạn chế đặc biệt các nội dung liên quan tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc, tác dụng không mong muốn. Kết quả nghiên cứu này gợi ý cần tìm hiểu nguyên nhân thực trạng bán kháng sinh không có đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc từ đó đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam.

Tạp chí y dược học, Tập. 60 Số. 3(2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ