SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát chất lượng một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa curcuminoid lưu hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

[17/08/2023 16:16]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Ngô Thị Minh Tâm, Phan Nguyễn Trường Thắng, Trần Việt Hùng thực hiện.

Hình ảnh minh họa

Trong hai thập kỷ gần đây xu hướng "Trở về với tự nhiên" được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Điều đó thấy rõ khi định hướng phát triển của ngành Dược nước ta là tập trung ưu tiên nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Hiện nay, các curcuminoid thành phần có tác dụng dược lý chủ yếu được chiết xuất từ nghệ ở nhiều nước trên thế giới được coi như vừa là thuốc vừa là thực phẩm chức năng giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày tá tràng, giải độc gan, tăng sức đề kháng của cơ thể. Hợp chất này được dùng dưới nhiều dạng: bột, viên ép, viên nang, dạng trà, dạng thuốc tinh chất để tăng thêm việc tiêu hoá và chức năng gan, để giảm đau khớp và điều hoà kinh nguyệt. Nắm bắt được tình hình như vậy, các nhà sản xuất đưa ra hàng loạt các dòng sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công bố curcuminoid có hàm lượng cao. Chính vì vậy người tiêu dùng lại sử dụng như là thuốc điều trị. Do đó, dưới góc độ quản lý vấn đề "Chất lượng của các sản phẩm này so với bản công bố tiêu chuẩn của nhà sản xuất" cần được quan tâm. Vì vậy, thực hiện khảo sát chất lượng một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các curcuminoid lưu hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm đưa ra các kiến nghị và giải pháp nhằm tăng cường cho hoạt động giám sát chất lượng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các curcuminoid.

Đối tượng

Một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các curcuminoid lưu hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018, được Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh lấy và phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. HCM để kiểm tra chất lượng.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp định lượng curcuminoids trong các mẫu thực phẩm chức năng: Tiêu chuẩn áp dụng: USP 40 - Chuyên luận curcuminoids tablets.

Chuẩn bị mẫu: Các dung dịch chuẩn và dung dịch thử.

Điều kiện sắc ký: Cột sắc ký: Gemini Nx C18 (250 x 4,6 mm, 5 µm); Chương trình sắc ký: đẳng dòng (isocratic); Tốc độ dòng: 1 ml/phút; Thể tích tiêm: 20 µl; Bước sóng phát hiện: 420 nm.

Tiến hành:Tiến hành tiêm lặp lại mẫu chuẩn và mẫu thử. Tính toán kết quả dựa trên so sánh diện tích pic trên sắc ký đồ mẫu thử, mẫu chuẩn và nồng độ của các dung dịch trên.

Kết luận và kiến nghị

Kết quả kiểm nghiệm là một khảo sát chất lượng đối với 58 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa nghệ hoặc tinh chất nghệ, thực hiện từ tháng 1-10 năm 2018. Số lượng 58 mẫu khảo sát là chưa đủ lớn để có bức tranh đầy đủ về chất lượng sản phẩm có chứa nghệ và curcumin, nhưng cũng phản ánh khá rõ về chất lượng thực sự của nhóm sản phẩm này, dó đó việc tiếp tục khảo sát và tăng cường kiểm tra hậu mại chúng là cần thiết. Với nghiên cứu này, 58 mẫu này được phân thành 3 nhóm nhỏ theo thành phần nhãn đó là nhóm I chứa Curcumin (26 mẫu), nhóm II chứa curcuminoids (18 mẫu), nhóm II chứa nghệ (14 mẫu). Kết quả phân tích các nhóm nhỏ như sau: nhóm I: 9/26 (34,62 %) mẫu không đạt, nhóm II: 10/18 (55,56 %) mẫu không đạt và nhóm III: 4/14 (28,57 %) mẫu không đạt (không chứa Nghệ trong sản phẩm).

Từ kết quả trên chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau:

Các sản phẩm có ghi trên nhãn hàm lượng curcumin/curcuminoids phải công bố trong hồ sơ sản phẩm hàm lượng hoạt chất trong mục chỉ tiêu chất lượng chủ yếu.

Qua bảng kết quả nhận thấy hàm lượng curcumin/curcuminoids thực tế trong các sản phẩm thường nằm trong khoảng từ 1 mg/g đến 10 mg/g. Các nhà sản xuất cần đưa ra mức chất lượng  phù hợp cho sản phẩm sau khi xem xét đánh giá cụ thể trên từng sản phẩm dựa trên chất lượng của nguồn nguyên liệu, độ ổn định trong quá trình sản xuất sản phẩm.

Trong quy trình xác định hàm lượng curcuminoids hiện nay, kết quả được tính trên hàm lượng của ba hoạt chất sau curcumin, desmethoxycurcumin và bisdesmethoxycurcumin. Tuy nhiên, chưa có một quy chuẩn nào quy định tỷ lệ hàm lượng giữa ba chất này trong việc xác định hàm lượng curcuminoids, vì vậy chúng tôi kiến nghị phát triển việc khảo sát về nhóm hợp chất này để có cơ sở dữ liệu khoa học: Trong ba hoạt chất trên hoạt chất nào đóng vai trò quan trọng cho việc điều trị, tỷ lệ giữa ba hoạt chất thay đổi thì có ảnh hưởng đến tác dụng dược lý không? Đối với chất chuẩn curcuminoids tỷ lệ ba thành phần này như thế nào? (Có hằng định không, có phụ thuộc vào các yếu tố như: giống loài, thổ nhưỡng, mùa và thời gian thu hái,...) nhằm xây dựng một quy chuẩn khoa học, chính xác cho việc định tính và định lượng curcuminoids.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều sản phẩm ghi trên nhãn dạng hoạt chất là nano-curcumin nhằm quảng cáo tăng hiệu quả điều trị và nâng giá thành. Chúng tôi cũng kiến nghị việc yêu cầu xây dựng một chỉ tiêu mới nhằm phân biệt giữa các chế phẩm nano-curcumin và curcumin. Phương pháp hiện nay dùng để xác định hàm lượng curcumin/curcuminoids là phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), bằng phương pháp này không thể phân biệt được dạng bào chế nano-curcumin hay curcumin.

Trong khảo sát này ngoài việc khảo sát hàm lượng curcumin/curcuminoids còn đánh giá chất lượng sản phẩm thông qua các chỉ tiêu khác như "các chỉ tiêu vi sinh vật", "hàm lượng kim loại nặng", "hàm lượng hóa chất không mong muốn". Kết quả cho thấy có tới 18,18 % số mẫu không đạt "các chỉ tiêu vi sinh vật". Điều này chứng tỏ cần thiết phải tuân thủ các điều kiện để đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quy trình sản xuất, hệ thống chất lượng của các nhà máy sản xuất các sản phẩm thực phẩm cần được quy định chặt chẽ hơn. Thông tư 15/2018/TT-BYT đã có những quy định khá cụ thể theo lộ trình để tiếp cận GMP trong việc sản xuất thực phẩm chức năng. Việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng nói chung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng đang ngày càng phát triển đa dạng và phong phú. Do đó, cần đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường hàng rào kỹ thuật để chủ động giám sát chất lượng thực phẩm chức năng. Đây là bài toán cần có sự phối hợp giữa các cấp quản lý cũng như các doanh nghiệp nhằm góp phần mang lại các sản phẩm chất lượng và an toàn đến người tiêu dùng.

Tạp chí y dược học, Tập. 60 Số. 3(2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ