SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và tạo sản phẩm sinh học nấm rễ (arbuscular mycorrhiza) giúp cây trồng đối kháng với nấm bệnh và đáp ứng được điều kiện bất lợi của môi trường canh tác

[18/08/2023 14:41]

Đề tài “Phân lập và tạo sản phẩm sinh học nấm rễ (arbuscular mycorrhiza) giúp cây trồng đối kháng với nấm bệnh và đáp ứng được điều kiện bất lợi của môi trường canh tác”do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện, TS. Đỗ Thị Xuân làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ đã được Sở KH&CN thành phố Cần Thơ nghiệm thu năm 2019.

Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu tạo chế phẩm sinh học thô chứa bào tử nấm rễ được phân lập từ các cây trồng ngắn ngày bản địa ở khu vực thành phố Cần Thơ trong điều kiện nhà lưới. Tổng cộng 27 mẫu đất bắp được thu trong 02 năm 2015-2016 và 15 mẫu đất mè được thu trong năm 2015 được sử dụng để phối trộn thành các quần thể (QT) nấm rễ nội cộng sinh (VAM ) cho bắp  (QT B) và quần thể nấm rễ VAM cho mè (QT M) riêng biệt dựa trên địa điểm thu mẫu đất. Tổng cộng 10 QT B và 4 QT M được sử dụng trong đề tài với 05 thí nghiệm được thực hiện.

Kết quả thí nghiệm cho thấy các mẫu đất được thu từ các ruộng trồng bắp và mè đều có sự hiện diện của bào tử nấm rễ VAM cũng như sự xâm nhiễm của nấm rễ vào bên trong rễ của cây bắp và mè. Sự xâm nhiễm của nấm rễ VAM trong rễ cây bắp bị ảnh hưởng bởi hàm lượng Pdt và Pts có trong đất. Trong khi đó tỉ lệ xâm nhiễm của nấm rễ VAM trong rễ mè bị ảnh hưởng bởi giá trị EC, hàm lượng chất hữu cơ và Pts hiện diện trong đất. Sự hiện diện của bào tử trong đất trồng bắp và mè bị ảnh hưởng bởi các giá trị pH đất. Năm QT nấm VAM bao gồm QT B4, QT B7, QT B8, QT B9 và QT B10 đáp ứng tốt với sự sinh trưởng của cây bắp và cây mè giúp gia tăng sinh khối và trọng lượng trái bắp và mè trong điều kiện thí nghiệm nhà lưới. Ba quần thể nấm rễ QT B7, QT B9 và QT B10 giúp hỗ trợ cây bắp và cây mè sinh trưởng và phát triển trong điều kiện giảm 1/5 lượng phân lân khó tan. Ba QT B7, QT B9 và QT B10 có hiệu lực phòng trừ bệnh chết gục cây con do nấm R. solani. QT B7, QT B9 và QT B10 kết hợp với bón phân hữu cơ (1 tấn/ha) có hiệu lực phòng trừ bệnh do nấm P. nicotianae và F.oxysporum  gây hại trên mè. QT B9 và QT B10 có hiệu lực trong phòng trừ bệnh do nấm P. nicotianae cho mè và sự kết hợp của phân hữu cơ với QT B9 và QT B10 có hiệu lực phòng trừ bệnh do nấm R. solani trên bắp.  Glomus và Acaulospora là hai chi nấm rễ hiện diện trong 3 QT nấm VAM và chi Glomus có số lượng bào tử chiếm trên 95% trong tổng số bào tử hiện diện trong ba QT nấm VAM. Cây bắp là cây ký chủ thích hợp cho 3 QT nấm VAM nhân mật số bào tử với tỉ lệ tăng sinh bào tử là trên 6300 lần so với giai đoạn chủng bào tử ban đầu. Số lượng bào tử hiện diện trong ba chế phẩm thô của ba QT B7, QT B9 và QT B10 đạt trên 16000 bào tử/100g đất khô kiệt, kích thước bào tử của chế phẩm thô dao động trong khoảng 53- 212 µm. Thành phần bào tử chủ yếu thuộc chi Glomus (chiếm tỉ lệ trên 95%) hiện diện trong chế phẩm. Với kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy QT B7, QT B9 và QT B10 có triển vọng trong hỗ trợ sự sinh trưởng của cây bắp và cây mè và giúp cây mè đối kháng với nguồn nấm bệnh trong điều kiện bất lợi của môi trường đất trong điều kiện thí nghiệm nhà lưới.

Bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn kết quả nghiệm vụ KH&CN tại Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ (CASTI).

Casti
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài