Đề xuất công nghệ và mô hình quản lý điện toán đám mây di động phục vụ chương trình chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam
Nghiên cứu này do các tác giả Phạm Hải Sơn1, Lê Hoàng Sơn, Hoàng Thế Anh đang công tác tại Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã đưa ra một số giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, một trong số đó là thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để người dân và doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí, cải thiện chỉ số xếp hạng quốc gia về chính phủ điện tử [1]. Để phát triển hạ tầng số, Chính phủ đặt ra các nhiệm vụ cần phải thực hiện như: quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng và thương mại hoá mạng di động 5G. Triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại thông minh tại Việt Nam, xây dựng quy định, lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ 4G, 5G đối với các sản phẩm điện thoại di động. Xây dựng các nền tảng số, trong đó yêu cầu “Xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) với các mô hình triển khai (đám mây công cộng, đám mây riêng, đám mây lai) và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội”. Với những chủ chương và định hướng của Chương trình chuyển đổi số nêu trên thì trong tương lai gần sẽ có rất nhiều ứng dụng di động được Chính phủ sử dụng để cung cấp dịch vụ công di động tới người dân và doanh nghiệp. Nền tảng để triển khai và phát triển các ứng dụng di động đó sẽ là MCC.
Hình minh họa (internet)
Nghiên cứu này đề xuất một mô hình điện toán đám mây di động (Mobile cloud computing - MCC) nhắm tới việc cung cấp các dịch vụ chỉ dành riêng cho thiết bị di động, tăng cường khả năng tính toán của thiết bị di động, giảm thiểu tình trạng thiếu tài nguyên và thực hiện hiệu quả cho những ứng dụng di động tiêu tốn tài nguyên. Để thực hiện việc đó, giải pháp đưa ra trong nghiên cứu này là cho phép sử dụng vô số thiết bị di động giàu tài nguyên gần nhất có thể cung cấp dịch vụ điện toán cho người dùng di động ở vùng lân cận. Việc tận dụng các tài nguyên nhàn rỗi để phục vụ các ứng dụng di động tiêu tốn tài nguyên giúp Chính phủ giảm thiểu đầu tư phần cứng cho xây dựng nền tảng điện toán đám mây. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng đề xuất mô hình quản lý các ứng dụng di động thông qua Kho ứng dụng do Chính phủ Việt Nam làm chủ và quản lý. Từ đó, Chính phủ sẽ kiểm soát được các ứng dụng và không để tình trạng các ứng dụng dịch vụ công di động phát triển một cách tự phát, gây khó khăn và làm mất niềm tin cho người sử dụng.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam