Tối ưu hóa quy trình phân tích polybrominated diphenyl ethers (PBDEs) trong chất thải nhựa từ sản phẩm gia dụng
Nghiên cứu do các tác giả Trịnh Thị Thủy, Trịnh Thị Thắm, Đỗ Văn Điệp, Nguyễn Quang Huy, Phạm Bá Việt Anh đang công tác tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện.
Nhựa được chế tạo đầu tiên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua một giải thưởng nhằm tạo ra nguyên vật liệu mới thay thế cho các các nguyên liệu truyền thống như gỗ, vải, sừng động vật... Trong quá trình phát triển, các loại nhựa ra đời với những ưu điểm ngày càng nổi trội và có thể sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm, trở thành nguyên vật liệu chính trong nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, từ vật liệu được phát triển như là một giải pháp vô cùng hiệu quả nhằm giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, nhựa tổng hợp đã và đang trở thành một gánh nặng môi trường trên toàn cầu. Là một nước đang phát triển và hội nhập, các sản phẩm nhựa gia dụng tiện lợi cũng đang được ưa chuộng tại Việt Nam vì sự tiện dụng, rẻ tiền và mẫu mã phong phú. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải vào môi trường, trong đó chỉ khoảng 27% được tái chế.
Hình minh họa (Internet)
Polybrominated diphenyl ethers (PBDEs) là một trong những chất chậm cháy làm phụ gia trong nhiều sản phẩm gia dụng, trong đó có các sản phẩm từ nhựa. Nghiên cứu xác định sự tồn dư của PBDEs trong các sản phẩm nhựa gia dụng là một yêu cầu cần thiết để kiểm soát sự ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người cũng như sự phát thải vào môi trường sau khi thải bỏ. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích tối ưu hóa một số điều kiện xử lý mẫu nhựa để xác định PBDEs trong chất thải nhựa từ sản phẩm gia dụng. Kết quả nghiên cứu cung cấp giới hạn phát hiện (IDL) và giới hạn định lượng (IQL) của thiết bị nằm trong khoảng 4,19 đến 28,4 ppb và 14,0 đến 94,8 ppb. Đồng thời, giới hạn phát hiện (MDL) và giới hạn định lượng của phương pháp (MQL) thấp nhất là 2,20 và 7,35 ng/g (BDE 99), cao nhất là 24,1 và 80,3 ng/g (BDE 209), giá trị độ thu hồi đối với các mẫu môi trường thêm chuẩn ở các nồng độ khác nhau dao động từ 89,1 đến 104,5%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp chiết soxhlet và chiết pha rắn (SPE) kết hợp với định lượng trên thiết bị GC/MS có thể áp dụng để xác định hàm lượng PBDEs trong mẫu nhựa thải.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam