Ảnh minh họa
Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả thực trạng sức khoẻ, bệnh tật ở người lao động mỏ than Na Dương, Lạng Sơn năm 2022.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 408 người. Số liệu được thu thập thông qua khám sức khoẻ. Kết quả cho thấy sức khoẻ loại II chiếm tỉ lệ cao nhất (59,8%), tỉ lệ người lao động mắc 1 loại bệnh/chứng bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất 36,5%, không mắc loại bệnh/chứng bệnh nào chiếm 7,1%. Bệnh/chứng bệnh răng hàm mặt chiếm 50,7%, sau đó đến tai mũi họng (33,8%), tiêu hoá (32,8%)... hô hấp (4,7%), da liễu (1,7%), bệnh nghề nghiệp (4,2%). Như vậy sức khỏe, bệnh tật của người lao động mỏ than Na Dương chưa tốt, còn xuất hiện các trường hợp sức khỏe loại IV và tỉ lệ mắc bệnh răng hàm mặt, tai mũi họng và tiêu hóa còn tương đối cao. Cần phải có kế hoạch tổ chức lao động hợp lý và điều trị bệnh kịp thời cho người lao động.
Ngành công nghiệp khai thác than hiện nay có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên hoạt động khai thác than đã được chứng minh là để lại những tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường cũng như cộng đồng sống xung quanh khu vực khai thác, đặc biệt đối với người lao động. Báo cáo Hoạt động y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2021 của Cục Quản ý môi trường Y tế năm 2021 có tổng số 750.188 trường hợp người lao động được ghi nhận đã đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Các bệnh thường mắc chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm xoang, mũi họng, thanh quản cấp (chiếm 20%), bệnh viêm dạ dày, ruột cấp tính, tiêu chảy (10,7%), bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng (5,6%), bệnh về mắt (9,5%) [2]. Năm 2014, Đỗ Văn Tùng nghiên cứu trên người lao động xí nghiệp hầm lò, mỏ than 35 - Công ty than Đông Bắc, kết quả cho thấy tỉ lệ bệnh răng hàm mặt chiếm tỉ lệ cao nhất 54,9%, bệnh tai mũi họng chiếm 42,3%, sau đó là bệnh mắt 16,1%, bệnh viêm phế quản 6,1%, ngoài da 6,6% [6]. Theo Nguyễn Như Đua tỉ lệ người lao động khai thác than bị viêm mũi xoang mạn tính khá cao (63,55%) [4].
Mỏ than Na Dương với đặc thù khai thác theo kiểu lộ thiên, than có thể cháy tự nhiên, hàm lượng lưu huỳnh lớn, khi gặp nước loại than này có thể chuyển hóa thành axit sunfuric. Do đó nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động là rất rõ rệt. Vậy thực trạng sức khoẻ, bệnh tật ở người lao động mỏ than Na Dương hiện nay như thế nào? Để giải đáp vấn đề trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu: Mô tả thực trạng sức khỏe, bệnh tật ở người lao động mỏ than Na Dương, Lạng Sơn năm 2022.
KẾT LUẬN
Sức khỏe, bệnh tật của người lao động mỏ than Na Dương chưa tốt, còn xuất hiện các trường hợp sức khỏe loại khoẻ và được chuyển vị trí công tác hoặc nghỉ chế độ đối với các trường hợp sức khoẻ loại IV. Cần có kế hoạch, chăm sóc, dự phòng cho người lao động để hạn chế tỉ lệ mắc bệnh, đặc biệt các nhóm bệnh răng hàm mặt, tai mũi họng và tiêu hóa.