SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng thừa cân, béo phì của học sinh trường trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và một số yếu tố liên quan

[30/08/2023 08:12]

Nghiên cứu do các tác giả Trần Trung Anh, Trương Thị Thùy Dương, Lê Ánh Bình, Lê Thị Thanh Hoa thực hiện.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả thực trạng thừa cân, béo phì và phân tích một số yếu tố liên quan đến thừa cân béo phì của học sinh tại trường trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên năm 2022.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp mô tả với thiết kế cắt ngang trên 514 học sinh trường trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Tình trạng dinh dưỡng của học sinh, trong đó có lứa tuổi trung học cơ sở cũng trở thành vấn đề nổi cộm về sức khỏe cộng đồng cần giải quyết trong giai đoạn hiện nay như: Kiểm soát xu hướng mắc một số bệnh cấp tính mới nổi cũng như phòng chống các bệnh mạn tính (suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì…). Theo WHO, béo phì ở trẻ em là một trong những gánh nặng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21.

Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ, khiến các em thay đổi về mặt sinh lý, tạo nên gánh nặng tâm lý cho các em. Vì vậy, dinh dưỡng cân bằng rất quan trọng cho trẻ ở độ tuổi dậy thì. Tỷ lệ béo phì đã đạt đến mức báo động, ảnh hưởng đến hầu như cả các nước phát triển và đang phát triển thuộc mọi nhóm kinh tế xã hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay sắc tộc.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả nghiên cứu Lưu Phương Dung và Cộng sự (2017) cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lứa tuổi 11-14 tuổi khá cao: tỷ lệ thừa cân là 15,3% và béo phì chiếm 5,5% [4]. Và cũng theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020 [2].

 Hiện nay, nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng của học sinh trung học cơ sở tại thành phố Thái Nguyên còn rất hạn chế. Vì vậy, đề tài này được nghiên cứu với 2 mục tiêu:
 - Mô tả thực trạng thừa cân, béo phì của học sinh trường trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên năm 2022.

- Phân tích một số yếu tố liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì của học sinh tại địa điểm nghiên cứu.

*Phương pháp chọn mẫu: Chọn chủ đích toàn bộ học sinh lớp 6 và lớp 9 trường trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên dựa vào danh sách nhà trường cung cấp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì chung của học sinh 2 khối khá cao 37,2%. Trong đó, tỷ lệ thừa cân chiếm 25,3% (khối 6 là 26,1%, khối 9 là 24,0%), béo phì chiếm 11,9% (khối 6 là 16,9%, khối 9 là 4,0%). Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới của học sinh, số con trong gia đình và yếu tố gia đình có người thừa cân, béo phì với tình trạng thừa cân, béo phì của học sinh (p < 0,05).

KẾT LUẬN

Tỷ lệ thừa cân, béo phì chung của học sinh 2 khối khá cao 37,2%. Trong đó, tỷ lệ thừa cân chiếm 25,3% (khối 6 là 26,1%, khối 9 là 24,0%), béo phì chiếm 11,9% (khối 6 là 16,9%, khối 9 là 4,0%). Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới của học sinh, số con trong gia đình và yếu tố gia đình có người thừa cân, béo phì với tình trạng thừa cân, béo phì của học sinh (p < 0,05).

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ