Tìm phương án đối ứng của doanh nghiệp về trung hoà carbon
Hội thảo “Trung hòa Carbon tại Việt Nam: Kích hoạt quá trình chuyển đổi trung hoà carbon cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” tổ chức tại TP.HCM nhận được đông đảo sự quan Tân từ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất.
Sáng ngày 14/9, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEM (ASEIC) – Hàn Quốc và Công ty TNHH Phát triển Giải pháp Toàn diện TSD (TSD Solution) tổ chức Hội thảo "Trung hoà Carbon tại Việt Nam: Kích hoạt quá trình chuyển đổi trung hoà carbon cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin liên quan giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức hiện nay về trung hoà carbon; doanh nghiệp định lượng phát thải khí nhà kính thông qua các công cụ tính toán khí nhà kính và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp về tính trung hòa carbon ở các quốc gia thành viên ASEAN.
Ông Lee Seung Chan – Tổng Thư ký Trung tâm Đổi mới sinh thái DNVVN ASEM – Hàn Quốc (ASEIC) phát biểu khai mạc hội thảo.
Chương trình có sự tham dự của ông Lee Seung Chan – Tổng Thư ký Trung tâm Đổi mới sinh thái DNVVN ASEM – Hàn Quốc (ASEIC); bà Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm SMEDEC 2; bà Nguyễn Thị Phương Yên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Giải pháp Toàn diện TSD và hơn 100 đại diện đến từ các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, xử lý chất thải; hiệp hội/ tổ chức doanh nghiệp; cơ quan Sở ban ngành…
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc phụ trách SMEDEC 2 cho biết, cùng với việc mở rộng rào cản thương mại carbon thấp, các chính sách môi trường như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và công bố thông tin carbon đang ngày càng tăng lên. Khi các công ty toàn cầu ngày càng tham gia nhiều hơn vào sáng kiến quốc tế, nhu cầu công bố thông tin carbon giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng của họ cũng ngày càng tăng.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần trao đổi, tham luận để có những biện pháp giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức hiện nay về trung hoà carbon. “Chủ đề kinh tế xanh hiện là xu hướng tất yếu của kinh tế toàn cầu. Do đó, xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải thay đổi từ nhận thức đến hành động để hội nhập, thích ứng với xu hướng đó. Tôi nghĩ đây là chủ đề đang được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn là mối quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới”, bà Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc phụ trách SMEDEC 2 phát biểu tại sự kiện.
Phó Giám đốc phụ trách SMEDEC 2 thông tin thêm, tại TP. HCM hiện đang diễn ra Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 với chủ đề "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không" từ ngày 13 đến 17-9. Đây là sân chơi lớn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp TP.HCM nói riêng có cơ hội kết nối, tiếp thu kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn trong nước và quốc tế.
Hướng đến giảm phát thải ròng về bằng 0 (Net zero) vào năm 2050, theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26). Bà Kyeongyeon, Kim – ECO & PARTNERS cho biết, với sự gia tăng quy định trực tiếp lấy đối tượng là doanh nghiệp và xu hướng đầu tư ESG, các công ty dẫn đầu thế giới đang nhận được yêu cầu đối ứng mục tiêu trung hòa carbon. Đối ứng trung hòa carbon, bao gồm cả đối ứng của các đối tác là điều cần thiết và doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng.
Do đó, phương án đối ứng của doanh nghiệp có 3 ý lớn. Thứ nhất, thiết lập hệ thống quản lý carbon, trong đó cần thành lập hệ thống tổ chức ứng phó với biến đổi khí hậu và thiết lập chiến lược, chính sách quản lý carbon.
Thứ hai, cần tính toán lượng phát thải, đặt mục tiêu giảm thiểu và công khai thông tin. Thứ ba, khám phá các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ít carbon.
Bà Myung-Hee, Sim – ECO & PARTNERS trình bày đề tài hướng dẫn kiểm soát phát thải carbon cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tính lượng phát thải khí nhà kính và công cụ tính lượng phát thải.
Với tinh thần hợp tác trên cơ sở tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau, Trung tâm đổi mới sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEM (Hàn Quốc) và SMEDEC 2 đã tái ký kết Bản ghi nhớ (MOU) nhằm thực hiện dự án Xây dựng Năng lực Đổi mới sinh thái ASEM, phát triển lợi ích chung và mối quan hệ bền vững trong lĩnh vực đổi mới sinh thái.
Được biết, Trung tâm Đổi mới sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEM Hàn Quốc - ASEIC (ASEM SMEs Eco-Innovation Center) là tổ chức chuyên ngành hợp tác quốc tế về đổi mới sinh thái giữa các quốc gia thành viên ASEM, được xác nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 8, chịu trách nhiệm chính trong việc nâng cao nhận thức về đổi mới sinh thái, tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia đang phát triển.
Tại Hội thảo Trung hoà Carbon tại Việt Nam: “Kích hoạt quá trình chuyển đổi trung hoà carbon cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ban tổ chức đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu doanh nghiệp.