Sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Minh Thuận, Trần Thảo Nguyên, Phan Thị Thanh Ngân, Trương Danh Nghiệp, Nguyễn Hoàng Nhân - Trường Đại học Cần Thơ và Trịnh Thị Long - WWF Việt Nam thực hiện nhằm đánh giá chất lượng phân hữu cơ và hiệu quả đối với cây trồng.
Lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trung bình hàng ngày là 64.658 tấn/ngày; trong đó, tỷ lệ thu gom và xử lý CTRSH tại khu vực đô thịtrung bình đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%, với khoảng 71% được chôn lấp (Bộ Tài nguyên Môi trường, 2020). Lượng chất thải rắn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 14,6% cả nước (tương đương 9.429 tấn/ngày). Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình năm 2019 tại khu vực ĐBSCL thấp hơn của cả nước, chiếm 88,3% (khu vực đô thị) và 49,1% tại khu vực nông thôn. Ở tỉnh Long An, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị thu gom hàng ngày là 585 tấn/ngày, phần lớn đang chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện với một phần đang kêu gọi đầu tư cho công nghệ ủ phân tại thị trấn Tân Hưng, huyện Vĩnh Hưng, huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường (Sở TNMT Long An, 2020).
Chôn lấp vẫn còn là giải pháp xử lý chính chiếm 54% so với lượng chất thải rắn phát sinh, khoảng 83% so với lượng chất thải rắn thu gom ở khu vực ĐBSCL và ước tính mỗi năm vùng này cần diện tích từ 26 đến 52 ha đất cho việc chôn lấp (Hoàng và ctv., 2014). Ở vùng ĐBSCL, chỉ có 2,93% rác thải sinh hoạ tthu gom được ủ phân compost. Mặt khác, việc quy hoạch và chọn vị trí bãi rác cho khu vực đ ồng bằng rất khó khăn do vấn đề địa hình thấp và thiếu đất. Trong điều kiện đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng có thể sẽ làm cho các tác động môi trường sự thiếu hụt quỹ đất thêm nghiêm trọng (Hoàng và ctv., 2014)
Chất thải sinh hoạt ở tỉnh Long An có tỷ lệ hữu cơ chiếm 62% (Pfaff-Simoneit et al., 2021); với tỷ lệ hữu cơ cao thì phân hủy sinh học là giải pháp thích hợp nhất (Haug, 1991). Các giải pháp thu hồi, tái chếtrong đó có ủ phân compost gần đây được đề cập như một trong các giải pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn (Bekchanov & Mirzabaev, 2018; Sulewski, 2021). Tuy nhiên, Khu vực ĐBSCL hiện nay chỉ có duy nhất nhà máy xử lý chất thải rắn ở thành phố Sóc Trăng và vùng lân cận còn duy trì sản xuất (Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, 2020) và chất lượng phân ủ cần phải được cải thiện để cung cấp cho thị trường. Phân compost hay phân hữu cơ là sản phẩm được tạo thành từ quá trình phân hủy chất hữu cơ, sử dụng để cải tạo đất trồng. Nhiều nghiên cứu phân hữu cơ sản xuất từ lục bình (Đức và ctv., 2014; Công và ctv., 2021), phân hữu cơ từ rác sinh hoạt (Toàn, 2010),... Tuy nhiên, hiện nay phân hữu cơ từ rác sinh hoạt vẫn chưa được sử dụng rộng rãi do thiếu thị trường và do thói quen sử dụng phân hóa học (Tùng, 2020).
Do đó, giải pháp hiệu quả để chuyển hóa chất hữu cơ thành phân compost là rất cần thiết và đó là cơ sở để thực hiện nghiên cứu này nhằm cải thiện chất lượng phân ủ góp phần đưa phân hữu cơ từ rác sinh hoạt vào thực tiễn và đóng góp cho tuần hoàn và tái chế rác thải hữu cơ.
Vật liệu ủ là chất thải hữu cơ được phân loại và có sử dụng nấm Trichoderma. Thí nghiệm thực hiện trên mẻ ủ thể tích 0,144 m3, ở hai nghiệm thức có bổ sung nấm Trichoderma với liều lượng 20 g/m3 và không dùng chế phẩm. Sau 60 ngày ủ, các chỉ số như nhiệt độ, ẩm độ, pH, sụt giảm thể tích, cac-bon tổng, ni-tơ tổng ở hai nghiệm thức giảm dần theo thời gian; ngược lại, tổng đạm, tổng lân dễ tiêu tăng. Sản phẩm phân sau ủ có pH, độ ẩm, tổng cacbon, tổng nitơ, tổng phốtpho theo thứ tự là 7,93, 34,2%, 15,18%, 1,52%, 2,65%. Mẻ ủ quy mô lớn ngoài thực tế với khối lượng ủ xấp xỉ 9,0 tấn cũng được thực hiện và cho kết quả tương đồng với kết quả ghi nhận ở thí nghiệm. Quy trình sản xuất phân compost được đề xuất thông qua kết quả nghiên cứu này.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, số 4A (2023) (nthang)