Ứng dụng công nghệ hiện đại cho ngành khí tượng thủy văn
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ trong những năm gần đây, ngành khí tượng thủy văn trên thế giới có những sự đột phá mạnh mẽ trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số vào trong các khâu từ quan trắc, truyền tin, xử lý dữ liệu và dự báo cảnh báo tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn cả về chất lượng lẫn đa dạng hóa các hình thức sản phẩm phục vụ công tác phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.
Phòng điều hành tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Những năm qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã cùng với các quốc gia thành viên nỗ lực ứng dụng các công nghệ số, các công nghệ tiên tiến để cải thiện năng lực quan trắc thông qua các chương trình và hệ thống quan trắc như Hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu (GCOS), Hệ thống quan trắc khí quyển toàn cầu (GAW), Hệ thống quan trắc tích hợp WMO (WIGOS)… hay cải thiện các hệ thống truyền tin như hệ thống thông tin WMO (WIS) nhằm tăng hiệu quả và tốc độ truyền, chia sẻ các dữ liệu khí tượng thủy văn với mật độ và khối lượng dữ liệu ngày một lớn trong hệ thống các thành viên của WMO.
Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã và đang thực hiện nghiên cứu, từng bước ứng dụng các công nghệ cao và chuyển đổi số trong hoạt động quan trắc, thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Điển hình như việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung (CDH), xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo SmartMET để tạo ra các bản tin dự báo điểm... Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn) đã ứng dụng công nghệ WEB-GIS để tạo ra các bản tin cảnh báo cho Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Khí tượng thủy văn cho biết: Những năm qua, các đơn vị trực thuộc từ trung ương đến địa phương đã tích cực nghiên cứu và từng bước thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Có thể kể đến một số nghiên cứu, như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng, hỗ trợ dự báo và cảnh báo một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm; xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong dự báo xoáy thuận nhiệt đới ở Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam thời hạn đến 3 ngày; đổi mới công nghệ dự báo sóng biển, nước dâng do bão thời hạn 24 giờ bằng kỹ thuật xử lý dữ liệu lớn và học máy; nghiên cứu ứng dụng công nghệ số mới để dự báo định lượng mưa hạn cực ngắn cho khu vực trung du, miền núi Việt Nam; xây dựng hệ thống giám sát, dự báo, cảnh báo ngập/triều đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (triển khai thử nghiệm tại quận Thủ Đức); bước đầu nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ dự báo mặn và thí điểm cho tỉnh Sóc Trăng…
Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã phối hợp các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu toán, trí tuệ nhân tạo cập nhật, đưa vào các công cụ mới để tăng cường tính tự động hóa trong việc thiết lập các loại hình bản tin dự báo khí tượng thủy văn. Qua đó, đã mang lại những hiệu quả trong công tác quan trắc, truyền tin và phục vụ hiệu quả dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cả về lượng và chất cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng đến từng đối tượng sử dụng.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực châu Á vào năm 2030; có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới trạm khí tượng thủy văn toàn cầu, đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu và nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giai đoạn 2021-2025, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn được phát triển mới, nâng cấp, hiện đại hóa và bổ sung yếu tố tăng dày mật độ trạm, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai khí tượng thủy văn, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, quan trắc để khu vực ven biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.
Tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm đạt hơn 40% đối với trạm khí tượng bề mặt; 50% đối với trạm quan trắc mực nước; 100% đối với các trạm đo mưa độc lập; 20% đối với các trạm đo lưu lượng nước; chuyển sang tự động hoàn toàn 20% số trạm khí tượng thủy văn thủ công hiện có. Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đạt hơn 95% đối với các trạm: Khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng; chuyển sang tự động hoàn toàn 30% số trạm khí tượng thủy văn thủ công hiện có.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Liễn (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng-Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) cho rằng, cần lồng ghép mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia với hệ thống trạm quan trắc chuyên ngành, chuyên dụng như hàng không, nông nghiệp, thủy lợi… để tối ưu hóa nguồn lực; tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ trang thiết bị, máy móc, hạ tầng truyền tải thông tin, dữ liệu quan trắc; tăng cường quan trắc tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, quan tâm đến các trạm thủy văn khí tượng đô thị.