New Zealand dự thảo các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một số loại quả tươi của Việt Nam
Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam đã có Công văn số 222/SPS-BNNVN gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo dự thảo các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một số loại quả tươi từ Việt Nam nhập khẩu vào New Zealand.
Công văn nêu rõ, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo của New Zealand về dự thảo các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một số loại quả tươi của Việt Nam.
Theo đó, Thông báo số G/SPS/N/NZL/742, ngày 19/9/2023 cho biết, Bộ các ngành công nghiệp cơ bản - New Zealand (MPI) đang xem xét các yêu cầu kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu đối với tiêu chuẩn sức khỏe về chôm chôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam. Những thay đổi được đề xuất sẽ loại bỏ yêu cầu của Tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) phải kiểm tra từng lô của người trồng và có thể xác định tính đồng nhất của lô theo ISPM 31.
Thông báo số G/SPS/N/NZL/738, ngày 14/9/2023 có nội dung: Những thay đổi về dịch hại cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật trên cây có múi (Citrus limon); những thay đổi để điều chỉnh các yêu cầu về mẫu kiểm dịch thực vật phù hợp với ISPM 31. Các khu vực hoặc quốc gia cụ thể: gồm Australia; Brazil; Trung Quốc; Ai Cập; Fiji; Mexico; Peru; Samoa; Hoa Kỳ; Vanuatu; Việt Nam.
Thông báo số G/SPS/N/NZL/736, ngày 13/9/2023 với nội dung: Những thay đổi về dịch hại cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật trên cây có múi tươi (Citrus aurantiifolia); những thay đổi để điều chỉnh các yêu cầu về mẫu kiểm dịch thực vật phù hợp với ISPM 31. Các khu vực hoặc quốc gia cụ thể: Australia; Ai Cập; Peru; Quần đảo Solomon; Hoa Kỳ; Vanuatu; Việt Nam và New Caledonia.
Những thay đổi về dịch hại cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật trên cây có múi tươi (Citrus latifolia). Ảnh minh họa
Thông báo số G/SPS/N/NZL/734, ngày 13/9/2023 với nội dung: Những thay đổi về dịch hại cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật trên quả bưởi tươi (Citrus maxima); thay đổi để phù hợp với kiểm dịch thực vật yêu cầu mẫu kiểm tra với ISPM 31. Các khu vực hoặc quốc gia cụ thể: Trung Quốc; Ai Cập; Samoa; Hòa Kỳ; Vanuatu; Việt Nam.
Thông báo số G/SPS/N/NZL/733, ngày 13/9/2023 với nội dung: Những thay đổi về dịch hại cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật trên cây có múi tươi (Citrus latifolia); những thay đổi để điều chỉnh các yêu cầu về mẫu kiểm dịch thực vật phù hợp với ISPM 31. Các khu vực hoặc quốc gia cụ thể: Ausatralia; Brazil; Fiji; Mexico; Peru; Samoa; Vanuatu; Việt Nam; Quần đảo Cook và Niu Caledonia.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay, New Zealand thông báo dự kiến nới lỏng biện pháp lấy mẫu giám sát và loại bỏ đối tượng kiểm dịch thực vật (rệp sáp) đối với một số sản phẩm có múi như: Bưởi, chanh ta, chanh vàng…; chôm chôm của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Do đó, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu và thông báo cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan xuất khẩu những loại quả tươi nói trên sang thị trường New Zealand để có góp ý cho dự thảo và đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các vùng trồng đã được cấp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và yêu cầu của nước nhập khẩu; hướng đến thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đặc biệt chú trọng việc ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác. Các cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu khi cung cấp sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.