Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Mục đích kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến năm 2030, Phương án Phát triển ngành khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, chú trọng phục vụ các chương trình, đề án trọng tâm của Tỉnh, đảm bảo huy động các nguồn lực, phát huy hiệu quả và cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST giai đoạn 2021 - 2030; Việc tổ chức thực hiện phải bảo đảm sự đồng bộ, cụ thể, thiết thực, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan.
Mục tiêu phát triển KHCN và ĐMST là nền tảng và động lực then chốt để thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển KHCN và ĐMST lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của Tỉnh; Nâng cao đóng góp của KHCN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế của tỉnh Đồng Tháp và các chính sách về đổi mới sáng tạo, KHCN nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và năng suất vốn.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, đến năm 2025, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ít nhất 35%/GRDP của Tỉnh; Tổng chi ngân sách cho hoạt động KHCN và ĐMST phấn đấu đạt 1,5 % tổng chi ngân sách của Tỉnh; Thành lập thêm 01 - 02 tổ chức có đăng ký hoạt động KHCN trên địa bàn Tỉnh;
Hỗ trợ phát triển ít nhất 20 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; Có ít nhất 30 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh KHCN; Có ít nhất 01 doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST nâng cao năng suất; Có ít nhất 03 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ; 05 nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý được hỗ trợ quản lý và phát triển; 01 sản phẩm chủ lực, đặc thù của Tỉnh được đăng ký bảo hộ ra nước ngoài dưới hình thức nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, 01 giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ.
Đến năm 2030, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ít nhất 50%/GRDP của Tỉnh; Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 35 - 40%; Tổng chi ngân sách cho hoạt động KHCN và ĐMST phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách của Tỉnh; Thành lập thêm 02 - 03 tổ chức có đăng ký hoạt động KHCN trên địa bàn Tỉnh; Hỗ trợ phát triển ít nhất 40 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST;
Có ít nhất 50 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN; ít nhất 02 doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST nâng cao năng suất; Có ít nhất 10 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ; 10 nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý được hỗ trợ quản lý và phát triển; 03 sản phẩm chủ lực, đặc thù của Tỉnh được đăng ký bảo hộ ra nước ngoài dưới hình thức nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; 02 giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ.
Về định hướng chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thứ nhất, định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển KHCN và ĐMST; Thứ hai, định hướng phát triển nghiên cứu khoa học; Thứ ba, định hướng phát triển ứng dụng công nghệ; Thứ tư, định hướng trong hoạt động đổi mới sáng tạo; Thứ năm, định hướng về thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thứ sáu, xây dựng, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thứ bảy, phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ.