SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hệ thống chiết xuất chân không PVF ứng dụng trong sản xuất dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm

[18/10/2023 09:21]

Hệ thống có thể vận hành tự động hóa hoàn toàn, được thiết kế nhiều kích cỡ từ 50 lít - 10.000 lít tùy yêu cầu của khách hàng.

Ngày 12/10/2023, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “Hệ thống chiết xuất chân không PVF ứng dụng trong sản xuất dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm”. Đây là một trong những hoạt động của Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM năm 2023, do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) triển khai thực hiện.

Báo cáo tại hội thảo, ông Đào Thanh Khê (Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Thực phẩm Pháp Việt) cho biết, hệ thống chiết xuất chân không PVF được nghiên cứu phát triển và sản xuất trong nước. Hệ thống cho phép chiết xuất các loại thảo dược, thực phẩm và mỹ phẩm thay cho công nghệ chiết xuất siêu âm và các công nghệ khác mà vẫn đảm bảo tính chất của dược liệu, có thể ứng dụng ngay trong một số ngành sản xuất dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. Hệ thống phù hợp với nhiều loại dung môi như: nước, cồn, methanol, n-hexan, ethytacetate, acetone, DMSO, dung môi kiềm, i-on.

Công nghệ chiết xuất bằng áp suất chân không hoạt động dựa trên nguyên lý áp suất và nhiệt độ. Khi áp suất giảm xuống mức rất thấp, điểm sôi của các chất hữu cơ trong dược liệu cũng giảm, làm cho chúng dễ dàng bay hơi. Công nghệ này sử dụng áp suất chân không để giảm điểm sôi của dung môi, từ đó giúp tách chất cần chiết xuất mà không làm mất đi các thành phần quan trọng khác trong mẫu. Đây là công nghệ hiện đại, đạt hiệu quả cao trong việc tách chiết các chất hữu cơ từ các nguồn tự nhiên như thảo dược, cây cỏ, hoa quả, hạt.

Dưới điều kiện thay đổi của áp suất chân không và dưới tác dụng của dung môi, nguyên liệu được co bóp liên tục. Khi áp suất âm, mọi vật chất tách ra khỏi cấu trúc vật liệu. Theo đó, hệ thống chiết xuất chân không PVF giàu tiềm năng sử dụng trong các ngành dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm và các ngành công nghiệp khác để sản xuất nguồn nguyên liệu hoặc sản phẩm tự nhiên có chất lượng cao bởi có nhiều lợi ích. Thứ nhất là hệ thống cho phép chiết xuất hiệu quả các chất cần thiết từ dược liệu mà không cần sử dụng nhiệt độ cao (nhiệt độ chiết thấp, điều chỉnh được từ 35-95 độ C, áp suất thấp và thay đổi, làm cho các vật liệu chiết bị co bóp mạnh, tạo dòng di chuyển vật chất từ trong cấu trúc của vật ra ngoài dung môi), từ đó giữ được tính chất và hoạt tính của các chất trong mẫu. Thứ hai, hệ thống làm giảm quá trình chiết xuất thời gian, tăng hiệu suất và tiết kiệm năng lượng. Thứ ba, quy trình vận hành hệ thống giúp giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do dung môi thải ra.

Hiện nay, hệ thống chiết xuất chân không PVF đang được ứng dụng trong một số ngành như:

- Dược phẩm: Tách lọc và thu các hoạt chất quan trọng trong dược phẩm như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi…

- Thực phẩm và đồ uống: Chiết xuất các chất hương liệu, chất tạo màu và chất chống oxy hóa như sâm Ngọc Linh, sâm Bố Chính, đẳng sâm, sâm đương quy, sâm đất… giữ nguyên hương vị tự nhiên.

- Mỹ phẩm: Chiết xuất các thành phần trong sản xuất mỹ phẩm gồm dầu thực vật, chất chống vi khuẩn, chất làm dịu và các chất hoạt động bề mặt tự nhiên…

Sau hội thảo, Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM tiếp tục hỗ trợ kết nối, chuyển giao hệ thống chiết xuất chân không PVF ứng dụng trong sản xuất dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm cho đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

https://cesti.gov.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ