SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành phần hóa học của lá cây lý (Syzygium jambos (L.)), họ sim (Myrtaceae)

[20/10/2023 03:20]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Trọng Tuân, Nguyễn Quốc Châu Thanh và Trần Thanh Mến - Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ và tác giả Huỳnh Kim Yến - Khoa Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang thực hiện.

Cây Lý (Syzygium jambos(L.)) hay còn được biết với  tên khác là Eugenia jambos or Jambosa jambos (Kuiate et al., 2007) thuộc họ Sim, thường mọc xung quanh các bờ ao, kênh do cây ưa nước. Trong y học cổ truyền, lá cây thường dùng làm thuốc hạ sốt, chữa đau mắt, tiêu chảy,... Ngoài công dụng chữa bệnh thì lá cây còn là nguồn nguyên liệu để điều chế tinh dầu (Lợi, 2005).  Chiết xuất từ lá cây Lý có khả năng kháng một số dòng vi khuẩn gây bệnh trên người (Attanayake et al., 2013; Wamba et al., 2018), kháng oxy hóa, chống lại stress oxy hóa (Huynh et al., 2023). Các công trình nghiên cứu về thành phần hóa học của các bộ phận như vỏ, trái, lá, rễ từ cây Lý cho thấy có nhiều hợp chất thuộc nhóm flavonoid (Jayasinghe et al., 2007; Liet al., 2015), polyphenol (Kuiate et  al.,  2007;  Liet  al.,  2015), tannin  (Yang et  al.,  2000),  flavonoid  glycoside (Nawwar et  al.,  2016), terpenoid (Kuiate et  al., 2007;  Sharma et  al., 2013).  Các nhóm hợp chất chuyển hóa thứ cấp này đã được chứng minh có nhiều hoạt tính sinh học như ức chế tế bào ung thư, kháng oxy hóa, kháng viêm,... (Vining, 1990) góp phần chứng minh tác dụng dược lý của cây Lý trong dân gian.

Từ đó, cho thấy cây Lý là một nguồn dược liệu quý và có tiềm năng cần được nghiên cứu. Trong một báo cáo trước đây, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 4 hợp chất tự nhiên trong lá (Huynh et  al., 2023) từ cao ethyl acetate. Nghiên cứu này công bố thêm 4 hợp chất nữa được phân lập từ cao hexane và ethyl acetate của lá cây Lý, trong đó có 2 hợp chất lần đầu tiên phân lập ở loài này.

Mẫu lá cây Lý được thu hái ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang vào tháng 03 năm 2020. Mẫu được xác nhận tên khoa học bởi TS. Nguyễn Thị Kim Huê (Bộ môn Sinh học, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ). Mẫu thực vật đã được so sánh và xác thực với mẫu tiêu bản (VNM00042985) tại Viện sinh học Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam)

Qua thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy, cao tổng ethanol được chiết phân đoạn lần lượt với dung môi n-nexane và ethyl acetate. Bằng phương pháp sắc ký cột đã phân lập được 4 hợp chất gồm Stigmasterol (1), 2-phenyl-4H-chromen-4-one (2), Chavicol β-D-glucopyranoside (3), rutin (4). Cấu trúc các hợp chất được xác định dựa trên phân tích phổ NMR và so sánh với các dữ liệu trong tài liệu tham khảo. Hợp chất (2) và (3) lần đầu tiên được phân lập từ loài thực vật này.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, số 5A (2023) (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ