SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chương trình KC.02: Ưu tiên nghiên cứu, chế tạo vật liệu tiên tiến

[24/10/2023 09:14]

Chương trình KC.02/21-30 dự kiến tăng gấp đôi số nhiệm vụ, dự án và kinh phí so với giai đoạn trước và ưu tiên các nghiên cứu, chế tạo vật liệu tiên tiến, vật liệu có tính năng đặc biệt.

Nhà khoa học giới thiệu các nghiên cứu về vật liệu tại Hội thảo. Ảnh: KA

Ngày 20/10, tại TPHCM, Văn phòng các Chương trình trọng đểm cấp nhà nước (Bộ KH&CN) đã tổ chức hội thảo “Xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng công nghệ vật liệu tại khu vực phía Nam", nhằm định hướng khung chương trình, các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu và phát triển công nghệ vật liệu giai đoạn 2021-2030.

Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu” (Chương trình KC.02/21-30) được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-BKHCN ngày 8/7/2022.

GS Nguyễn Quang Liêm, Chủ nhiệm chương trình KC.02 cho biết, giai đoạn 2016-2020, chương trình KC.02 thực hiện 29 đề tài nghiên cứu, 5 dự án sản xuất thử nghiệm. Tổng kinh phí được cấp hơn 348 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách khoảng 187 tỷ đồng. Trong giai đoạn tới, ngành vật liệu cần tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ tiên tiến, chế tạo một số chủng loại vật liệu đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ sản xuất trong nước. Đồng thời, hình thành và phát triển một số vật liệu ở quy mô công nghiệp có tiềm năng và lợi thế phát triển của Việt Nam, nhằm thay thế nhập khẩu, phục vụ các ngành kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Chương trình đưa ra một số nhóm sản phẩm công nghệ vật liệu được khuyến khích nghiên cứu và tài trợ kinh phí thực hiện. Thứ nhất là các vật liệu tiên tiến như nano, in 3D, quang điện tử, vật liệu từ, vật liệu ghi nhớ hình dạng... Thứ hai là các loại vật liệu có tính năng đặc biệt như vật liệu hợp kim đặc chủng có độ sạch cao, vật liệu độ cứng cao, bền nhiệt, chịu mài mòn, đất hiếm, composit độ bền cao, vật liệu nhẹ, chống cháy, chống tia tử ngoại, kháng khuẩn,... Thứ bà là các loại vật liệu mới bao gồm kim loại và hợp kim. Cuối cùng, các vật liệu sử dụng trong các ngành hóa chất, sơn, phân bón, giả da, da thuộc, y sinh, tích trữ và chuyển đổi năng lượng, xây dựng, xử lý ô nhiễm môi trường,... cũng được khuyến khích nghiên cứu.

Chương trình đặt ra mục tiêu 50% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng trong thực tiễn, trong đó 20% số nhiệm vụ có khả năng thương mại hóa. Ngoài ra, có 70% công nghệ, dây chuyền, thiết bị tạo ra có tính năng tương đương với sản phẩm tiên tiến cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Theo GS Liêm, các loại vật liệu tiên tiến nếu được triển khai ứng dụng sẽ mang lại giá trị thặng dư kinh tế rất lớn so với các vật liệu truyền thống hiện nay. Đối với vật liệu có tính năng đặc biệt, nếu được ứng dụng sẽ giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

PGS.TS Lê Văn Thăng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng, cần có rất nhiều nghiên cứu mới có thể hoàn chỉnh một công nghệ, sản phẩm, nên khi xác định tham gia nhiệm vụ, doanh nghiệp thường phải cân nhắc có nên đầu tư vào nghiên cứu đó không. Các nghiên cứu của viện, trường phải tích hợp được vào dây chuyền công nghệ sản xuất hiện có của doanh nghiệp thì kết quả nhiệm vụ mới có thể sớm đi vào thực tiễn.

Một số vật liệu được chế tạo từ kết quả nghiên cứu. Ảnh: NNC

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM, cho biết, trong thời gian tới, ngành cao su TPHCM sẽ thực hiện một số dự án như thu hồi, phân loại và tái chế rác thải nhựa, cao su; chuyển đổi sang công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa, tiết kiệm năng lượng; tổng hợp các loại phụ gia có giá trị cao, phối trộn các thành phần phụ phẩm nông nghiệp vào nguyên liệu nhằm giảm thiểu rác thải nhựa;… Để thực hiện các dự án này, các doanh nghiệp nhựa dự kiến phối hợp với các trường, viện để thực hiện và cần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Theo ông Cường, thời gian từ khi đề xuất đến phê duyệt nhiệm vụ và nhận được kinh phí thực hiện còn khá dài (14 – 18 tháng), nên doanh nghiệp có nguy cơ lộ bí mật ý tưởng, mất cơ hội sản xuất do đối tác không thể chờ đợi quá lâu. Doanh nghiệp cũng khó chủ động bố trí nhân sự vì thời gian theo đuổi nhiệm quá quá dài. Bên cạnh đó, các thủ tục về tài chính, đấu thầu còn phức tạp, nên đa số các doanh nghiệp của ngành gặp khó khăn khi triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Ông Cường cho rằng, nếu giải quyết được một số bất cập trên mới, mới có thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã giới thiệu một số nghiên cứu về công nghệ vật liệu, có thể hợp tác với các doanh nghiệp để đưa vào sản xuất, ứng dụng thực tế, như vật liệu nanoxyapatite từ phụ phẩm xương cá, ứng dụng làm chất mang xúc tác chuyển hóa CO2 thành khí nhiên liệu; Fe2TiO5/TiO2 làm xúc tác cho quá trình quang phân hủy chất hữu cơ trong nước; màng bọc thực phẩm ăn được và kháng khuẩn; nano quang đỏ ứng dụng cho đèn mini/micro WLED… của Viện Công nghệ Hóa học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Hay như từ các phụ phẩm nông nghiệp, các nhà nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho ra đời những sản phẩm như than ép khối từ vỏ sầu riêng, Aerogel từ lá dứa, xơ dừa aerogel trong xử lý nước thải, Aerogel siêu kỵ nước từ rơm rạ trong xử lý sự cố tràn dầu, Silica aerogel composite từ tro trấu và nhựa PET tái chế,….

https://khoahocphattrien.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ