Cần những dự án lớn để ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư những dự án lớn với nguồn lực tổng hợp để giải quyết các vấn đề liên quan tới sụt lún, sạt lở và hạn mặn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Đăng Khoa)
Sáng 24/10, tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đối mặt với nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội.
Vừa qua, Chính phủ đã cấp 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông, biển. Tuy nhiên, gói chi này này chỉ được dùng để khắc phục những vấn đề trước mắt, Việt Nam phải có những dự án lớn để khắc phục hậu quả lâu dài của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 quan điểm chỉ đạo chính: Xác định rõ tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề; xác định đúng trọng tâm, bởi ĐBSCL là một vùng rộng lớn nếu “cái gì cũng muốn làm cả, thì cái gì cũng dở dang”; phải huy động nguồn lực tổng hợp: Địa phương - trung ương, trong nước - quốc tế, hợp tác công - tư.
Đồng thời, người đứng đầu Chính Phủ cũng chỉ ra những vấn đề trọng tâm mà ĐBSCL cần giải quyết.
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu
Nhấn mạnh, ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng nêu rõ vùng cần những dự án lớn, lâu dài. Điều này đồng nghĩa với nguồn lực lớn. Do vậy địa phương và trung ương đều phải có sự chuẩn bị.
Trước hết, nguồn lực này có thể huy động từ ngân sách nhà nước, vốn vay nước ngoài và dự án hợp tác công tư. Thủ tướng cũng chỉ ra hai vấn đề cần giải quyết trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay quốc tế: “Thủ tục của cả ta và bạn đều gặp rất nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận và vay vốn. Bên cạnh đó, các dự án hoạt động trên nguồn vốn vay quốc tế vẫn còn dàn trải, lặt vặt, không hiệu quả”.
Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu bởi vị trí hạ lưu, Việt Nam cần song hành với các nước trong việc điều phối nguồn nước thượng nguồn, bảo vệ dòng chảy tự nhiên.
Việc hợp tác phải được mở rộng với cả những nước không liên quan trực tiếp, đặc biệt là các nước lớn có trình độ khoa học, kỹ thuật phát triển.
1 triệu ha lúa chất lượng cao
Nhấn mạnh vị trí quan trọng của vùng trong nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhận định ĐBSCL không chỉ cần phát triển nhanh mà còn cần bền vững.
Hiện nay, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đang được lấy ý kiến. Đề án nhằm cụ thể hóa một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, đây không chỉ là nguồn lúa gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực mà còn là mặt hàng xuất khẩu bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã đặt vấn đề với Tổng thống Indonesia, Philippines nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC tại Riyadh, vào ngày 20/10 về việc xuất nhập lúa gạo: “Họ ổn định cho nhập khẩu, ta ổn định cho xuất khẩu”.
Theo đó, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo với hai nước này.
Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận.
Philippines - quốc gia nhập nhiều gạo Việt nhất - đã tăng mua trở lại gạo Việt Nam sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,4 triệu tấn, tương đương giá trị gần 1,5 tỷ USD.
Indonesia cũng tăng mua với sản lượng lớn để tăng dự trữ nội địa. Đầu tháng 10, nước này cũng mời thầu 500.000 tấn gạo, trong đó có nguồn cung từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao cũng sẽ góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân. Để "xoay đổi tình thế, chuyển đổi trạng thái", Thủ tướng yêu cầu vùng phải xây dựng quy hoạch sản xuất xanh, sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn của thế giới.