SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Từ VIFOTEC đến WIPO: Ghi nhận xứng đáng "chất xám" Việt Nam

[06/05/2012 15:14]

38 công trình được nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), 11 Doanh nghiệp (DN) được nhận Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam, 6 cá nhân, đơn vị được Giải thưởng WIPO 2011 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới… Đó là thông tin vừa được công bố, một lần nữa khẳng định trình độ nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, cho thấy hoàn toàn có cơ sở để vững tin đưa khoa học Việt Nam “vươn ra biển lớn”, được thế giới công nhận…

Các công trình xuất sắc được trao giải lần này tập trung vào 6 lĩnh vực gồm cơ khí - tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Tiểu biểu phải kể đến công trình “Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp (MBA) 500KV” của kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng cùng các cộng sự thuộc Công ty Truyền tải điện 2 - Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công trình không chỉ mang về giải nhất VIFOTEC 2011, mà còn được tặng thưởng Huy chương vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đề tài đã tìm ra giải pháp công nghệ dùng chất lỏng là dầu cách điện đã được làm nóng ở bên ngoài để đưa vào gia nhiệt bên trong MBA, khi đó toàn bộ các tạp chất, các loại khí và đặc biệt là hàm lượng ẩm sẽ bị hút và đào thải ra ngoài, đưa MBA trở về tinh khiết tuyệt đối, đồng thời đảm bảo phục hồi cách điện ở điện áp siêu cao áp 500KV…

Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, từ năm 1994, hệ thống điện siêu cao áp 500kV lần đầu đưa vào vận hành ở nước ta, nhưng đến nay đã có hơn 40% số máy biến áp 500kV bị hư hỏng, dẫn đến các sự cố làm ngừng cung cấp điện, gây mất an toàn cho con người. Trong khi đó, việc sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp 500kV xưa nay đều phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, hoặc chuyển về nơi sản xuất để sửa chữa, đôi khi mất cả năm trời. Chính vì vậy, từ năm 2009, anh cùng các cộng sự đã bắt tay vào thực hiện đề tài, đến năm 2011 đã sửa chữa, bảo dưỡng thành công 1 máy biến áp 500kV tại Đà Nẵng và sau đó là 2 máy biến áp 500kV tại Hòa Bình vào cuối năm 2011. 

Với công nghệ bảo dưỡng của đề tài, công tác bảo dưỡng tại hiện trường không những đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện bảo dưỡng ngắn, mà còn phục hồi được chất lượng và kéo dài tuổi thọ MBA 500kV. Chính vì vậy, giải pháp công nghệ này đã giúp tiết kiệm nguồn kinh phí lớn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho ngành điện trong việc thay thế MBA mới khi có hư hỏng xảy ra trong quá trình vận hành hay các kinh phí tháo dỡ, đóng gói, vận chuyển đi về nơi sản xuất. Từ đó góp phần quan trọng cung ứng ổn định dòng điện trên cả nước, đảm bảo an toàn tính mạng con người và không gây ô nhiễm môi trường.

Từ lâu, tên tuổi tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc đã trở nên quen thuộc với hầu hết bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Với công trình “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hai chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar và Biovip”, chị được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới vinh danh là nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất. Sau gần 8 năm nghiên cứu, chị đã cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất hai chế phẩm sinh học Ometar và Biovip ở quy mô lớn gấp nhiều lần quy trình cũ, sản phẩm có chất lượng cao và hòa tan được trong nước rất tiện dụng cho bà con nông dân. Hai chế phẩm này đã được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật, được phép sử dụng rộng rãi tại Việt Nam để phòng trừ rầy nâu, bọ xít hại lúa và bọ cánh cứng hại dừa.

Chế phẩm Ometar/Biovip sản xuất ra từ quy trình công nghệ mới có giá thành thấp, chỉ 200.000 đồng/ha/lần phun, thấp hơn so với sử dụng thuốc hóa học 150.000 đồng/ha/lần phun... Chính vì vậy, thành quả của công trình đã làm giảm chi phí phòng trừ rầy nâu hại lúa, giúp bà con nông dân tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hơn nữa, đây còn là những sản phẩm an toàn cho con người, hệ sinh thái và môi trường.

Trong suốt những năm tháng làm khoa học, chị Lộc chia sẻ, giây phút hạnh phúc nhất là giây phút nhận được những cuộc điện thoại của những người nông dân reo mừng khi rầy nâu biến mất. Việc bà con nông dân tiếp thu và ứng dụng thành công những nghiên cứu của các nhà khoa học đã thực sự là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với những nhà khoa học, thôi thúc họ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu ra những ứng dụng mới phục vụ cuộc sống...

Còn rất nhiều những công trình tiêu biểu khác như “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng lò hơi đốt nhiên liệu xấu kiểu tầng sôi tái tuần hoàn” của tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang và các cộng sự; “Nghiên cứu chế tạo vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu bò nuôi ở nước ta” của tiến sĩ Trần Xuân Hạnh; “Nghiên cứu ứng dụng giếng thăm (hố ga) bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn liên kết mối nối cống trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường” của tác giả Hoàng Đức Thảo... Giữa những bộn bề khó khăn về kinh phí, điều kiện nghiên cứu,... những thành quả trên thật đáng ghi nhận.

http://ven.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ