Đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: cần thực chất để có chiều sâu
Tại tọa đàm “Tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào ngày 19/10/2023 vừa qua, nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trường viện, trung tâm nghiên cứu cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đã thẳng thắn góp ý, thảo luận cởi mở, tích cực nêu bật lên các khó khăn, những giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình xét duyệt, tuyển chọn hồ sơ, tiêu chí chấm điểm đề tài, mức chi cho nhiệm vụ khoa học công nghệ hay câu chuyện ít được quan tâm là bảo mật thông tin, đánh giá tài chính…
Hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viên, trung tâm nghiên cứu tham dự buổi tọa đàm
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM (Quy chế 35) có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, bao gồm 6 chương và 28 điều. Đây là Quyết định thay thế cho Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 về việc ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM và Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 07/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM ban hành kèm theo Quyết định 48/2016 ngày 24/11/2016 của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Riêng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM đã được cấp có thẩm quyền duyệt nhiệm vụ trước ngày Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND cho đến khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hợp đồng đã được phê duyệt.
Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Quy chế 35 quy định việc quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM cũng như áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) Quy chế 35 bao gồm 6 chương và 28 điều, tuy nhiên về tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM sẽ có một số nội dung cần lưu ý như sau: Yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ; Nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ; Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ; Giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ của Thành phố thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế 35 thì nhiệm vụ có 01 chủ nhiệm nhiệm vụ. Trong đó, điều kiện đối với tổ chức đăng ký chủ trì đã bổ sung trường hợp tổ chức không đủ điều kiện hoặc có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ sẽ không được đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 01 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của Sở Khoa học và Công nghệ hay như vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ. Còn điều kiện đối với cá nhân đăng ký chủ nhiệm thì không quy định số lượng nhiệm vụ do cá nhân chủ trì và nếu cá nhân có vi phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 03 năm kể từ khi có quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ thì không đủ điều kiện tham gia tuyển chọn.
Đối với Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thì Quy chế 35 cũng nêu rõ Hội đồng gồm có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch (nếu cần), 02 thành viên là ủy viên phản biện, 01 ủy viên thư ký khoa học và các thành viên khác. Số lượng các thành viên trong Hội đồng từ 05 đến 09 thành viên. Các ủy viên phản biện của Hội đồng công tác tại các tổ chức khác nhau. Giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố thành lập thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ thực hiện nhiệm vụ cụ thể gồm: Đơn vị xây dựng chương trình khoa học và công nghệ/ dự án khoa học và công nghệ; các nhiệm vụ phát sinh hàng năm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị. Đơn vị gửi Chương trình/dự án khoa học và công nghệ, nhiệm vụ phát sinh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm định, phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức quản lý nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế.
Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ tại tọa đàm
Về nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ với trường hợp cấp tối đa đến 100% tổng kinh phí bao gồm: Nhiệm vụ thuộc danh mục nhiệm vụ theo thông báo của Sở Khoa học và Công nghệ; Nhiệm vụ được xét giao trực tiếp theo quy định; Nhiệm vụ khác được Hội đồng đánh giá đạt từ 80/100 điểm trở lên và có sản phẩm đáp ứng một trong các tiêu chí cụ thể như: phục vụ cho khu vực công của Thành phố; phục vụ cho cộng đồng người dân Thành phố; phục vụ nhóm doanh nghiệp của Thành phố; sản phẩm mang tính đột phá so với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ không thỏa tiêu chí nêu trên.
Đối với tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; đề án khoa học hay tiêu chí đánh giá nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản phẩm (dự án sản xuất và thử nghiệm) thì TP.HCM cũng có trọng số bám khá sát với Bộ Khoa học và Công nghệ theo các bộ tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia do hiện nay không có tiêu chí đánh giá nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể cho cấp tỉnh.
"Sau khi Quy chế mới ban hành đối với điều kiện thực tế của TP.HCM thì chúng tôi cũng có thêm một vài đề xuất nội dung thẩm định thuyết minh nhiệm vụ có thể là về yêu cầu đánh giá thì sản phẩm phải có tính đột phá, tính ưu tiên; về kết quả tư vấn của Hội đồng thì phải trả lời được các nội dung như nhiệm vụ có cần thiết hay không, phương pháp thực hiện có khả thi không, kinh phí thực hiện có phù hợp không... Sau buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận, lắng nghe ý kiến góp ý giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với Sở Khoa học và Công nghệ thì chúng tôi sẽ hoàn thiện lại hệ thống các tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, theo Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước TP.HCM để việc vận hành Quy chế mới được thực chất và hiệu quả nhất", bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ thêm.
Tại tọa đàm nhiều đóng góp ý kiến tới từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM xoay quanh các vấn đề như hoàn thiện quy trình xét duyệt, tuyển chọn hồ sơ, tiêu chí chấm điểm đề tài, mức chi cho nhiệm vụ khoa học công nghệ hay câu chuyện ít được quan tâm là bảo mật thông tin, thẩm định tài chính cho đề tài… để việc đánh giá này thực chất và đi vào chiều sâu.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Trần Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trường Đại học Công Thương TP.HCM cho rằng, với Quy chế mới, nhiệm vụ của Hội đồng khoa học trong việc tuyển chọn, đánh giá và xếp loại đề tài đã được nêu bật lên với vai trò vô cùng quan trọng.
“Cá nhân tôi cũng là người từng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và nhận thấy việc này rất đúng, tuy nhiên theo tôi nếu chúng ta đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng thì phải chăng nên tôn trọng ý kiến của Hội đồng về việc đánh giá tài chính cho các đề tài. Vì khi Hội đồng đánh giá tài chính đạt yêu cầu rồi thì cần gì phát sinh thêm một vòng là thẩm định tài chính, phía trên đã kêu tài chính phù hợp rồi xuống lại cắt sửa thì rất không hay… nên đã giao nhiệm vụ một cách rõ ràng cho Hội đồng đánh giá thì cần phải tin tưởng và tôn trọng họ”, PGS.TS Trần Hoàng Dũng nói.
Ông Tim Nguyễn - Giám đốc Đổi mới sáng tạo Viện 3AI thì cho rằng, các đề tài dù là nghiên cứu và mang nhiều yếu tố rủi ro, nhưng cũng cần phải đặt bài toán kinh tế là một trọng tâm nghiên cứu.
“Các thầy cô ở đây dù là nghiên cứu đề tài nào cũng phải có được ứng dụng trong vấn đề kinh tế, vì tất cả những gì chúng ta làm bây giờ đều liên quan đến vấn đề kinh tế. Có thể nghiên cứu phát minh nó sẽ khác, nhưng mãng về công nghệ để ứng dụng cho kinh tế thì TP.HCM cũng có rất nhiều sản phẩm cần được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng. Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố nếu đề xuất thì cũng cần phải lưu tâm đến tính đồng bộ, ví dụ như việc cấp đổi bằng lái mà thời gian đây báo đài tốn không ít giấy mực, nếu chúng ta đồng bộ được quy trình ngày từ ban đầu và nghiên cứu công nghệ sao cho sát với thực tiễn đời sống thì người dân sẽ được lợi và nền kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cũng được lợi”, ông Tim Nguyễn chia sẻ.
TS. Võ Văn Khang - Chi hội An toàn thông tin phía Nam cho rằng, nên có một phần mềm làm việc chung, cấp tài khoản cho từng thành viên của Hội đồng và chủ nhiệm đề tài. Việc này vừa là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mà cũng tạo nên tính minh bạc cũng như bảo mật thông tin cho đề tài nghiên cứu.
“Việc này theo tôi không khó, nhưng để làm được cũng cần quyết tâm cao của cả nhà quản lý lẫn Hội đồng khoa học vì khi thực hiện, tôi lấy ví dụ như trước đây thì nhận xét trên giấy, viết vài ba câu cho xong nhưng khi nhận xét đề tài trên phần mềm thì không thể nhận xét chung chung, hay nhận xét bừa được mà phải thật sự đọc đề tài, tâm huyết với nghiên cứu đó mới có những nhận xét đúng cũng như vấn đề bảo mật được đảm bảo khi các nội dung của đề tài nghiên cứu chỉ có thành viên Hội đồng và nhóm nghiên cứu biết… không lô lọt ra bên ngoài được”, TS. Võ Văn Khang chia sẻ.
Được biết, trong 2 ngày 26-27/10/2023 tới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị công bố và hướng dẫn triển khai thực hiện “Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh”.
Cụ thể, buổi 1 diễn ra vào lúc 13h30, chiều thứ năm ngày 26/10/2023, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, số 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM dành cho đại diện UBND TP Thủ Đức và các quận huyện; Sở ban ngành; Đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố thành lập.
Buổi 2 diễn ra vào lúc 13h30, chiều thứ 6 ngày 27/10/2023 tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM cho đại diện các Trường, viện, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp; Cơ quan báo chí, truyền thông.