SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy định về dán nhãn hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy

[30/10/2023 14:00]

Luật Bảo vệ môi trường quy định dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (POP).

Quy định chi tiết về dán nhãn các sản phẩm hàng hóa, thiết bị có chứa chất POP

Tại Khoản 2, Điều 39, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy như sau:

Căn cứ quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải thực hiện dán nhãn và công bố thông tin theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Cụ thể, dán nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Vị trí, kích thước, màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ của nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Nội dung thể hiện trên nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, bao gồm: Tên và hàm lượng chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị hoặc thông tin về việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến chất ô nhiễm khó phân hủy và các thông tin khác theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải thực hiện dán nhãn và công bố thông tin. Ảnh minh họa

Đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm hoàn chỉnh không có bao bì thương phẩm, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phải gửi thông báo về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và thực hiện việc công bố thông tin chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều này trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân.

Tổ chức, cá nhân sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải dán nhãn, công bố thông tin chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sau khi thực hiện đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Nghị định này và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về việc dán nhãn, công bố thông tin đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải thực hiện các biện pháp khắc phục, thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, dán nhãn hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải bảo đảm các yêu cầu về vị trí, kích thước, màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, ngôn ngữ và nội dung thể hiện trên nhãn bao gồm: Tên và hàm lượng chất ô nhiễm khó phân hủy. Nếu dán nhãn được thiết kế không ghi tên chất ô nhiễm khó phân hủy thì chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định chi tiết về chất POP cụ thể: Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định yêu cầu về Bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (Khoản 5 Điều 97) và quy chuẩn kỹ thuật môi trường này phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Khoản 3 Điều 98).

Theo Điều 38 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, chất POP phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm và danh mục các chất POP này được ban hành tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm theo yêu cầu của Công ước Stockholm. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp) nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thì phải thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP. Do vậy, doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất sản phẩm, vật liệu không chứa chất POP thuộc Phụ lục nói trên thì không phải thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP.

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn các chất POP

Để góp phần bảo vệ môi trường cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là các chất POP) và cộng đồng quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã từng bước nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Nhằm quản lý và kiểm soát sự xuất hiện của các chất POP trong quá trình sản xuất, Luật BVMT 2020 đã quy định việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị tại Khoản 5 Điều 97 và nguyên tắc xây dựng Quy chuẩn này tại khoản 3 Điều 98.

Theo đó, Bộ TN&MT đã giao cho Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất POP trong nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (dự thảo Quy chuẩn).

Ông Lê Hoài Nam- Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất POP trong nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị. Dự thảo Quy chuẩn này đã tập trung quy định giới hạn tối đa cho phép của các chất POP mới trong các ngành/lĩnh vực công nghiệp điển hình. Hiện Dự thảo Quy chuẩn đã được lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội/doanh nghiệp và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.

Ông Lê Hoài Nam cho biết Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn và gửi Văn phòng TBT Việt Nam các phản hồi ý kiến đối với dự thảo Quy chuẩn theo quy trình và cam kết với WTO; đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị cũng như các tổ chức, cá nhân tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin giúp cơ quan chủ trì có thể hoàn thiện Quy chuẩn với chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để Quy chuẩn sau khi ban hành có tính thực tiễn và thực thi cao.

https://vietq.vn/ (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ