SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quản lý chất lượng đất theo QCVN 03:2023/BTNMT nhằm hạn chế suy thoái, ô nhiễm môi trường

[07/11/2023 08:57]

Nhằm hạn chế tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường đất cần có cách quản lý chất lượng phù hợp theo quy chuẩn QCVN 03:2023/BTNMT.

Theo thông tin từ Cục Môi trường Việt Nam (Bộ TN&MT), môi trường đất là nơi trú ngụ của con người và hầu hết sinh vật cạn, là nền móng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, văn hóa. Đất là nguồn tài nguyên quý giá, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực phẩm cho con người. Nhưng với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp, hoạt động đô thị hoá như hiện nay, diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm.

Đất ô nhiễm bị gây ra bởi sự có mặt của hóa chất xenobiotic (sản phẩm của con người) hoặc do sự thay đổi trong môi trường đất tự nhiên. Nó được đặc trưng gây nên bởi các hoạt động công nghiệp, hóa chất nông nghiệp hoặc do vứt rác thải không đúng nơi quy định. Các hóa chất phổ biến bao gồm: Hydrocacbon dầu, hydrocacbon thơm nhiều vòng (như là naphthalene and benzo(a)pyrene),… dung môi, thuốc trừ sâu, chì và các kim loại nặng. Mức độ ô nhiễm có mối tương quan với mức độ công nghiệp hóa và cường độ sử dụng hóa chất.

Tình trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất ngày càng trầm trọng. (Ảnh minh họa)

Chất lượng đất ở hầu hết khu vực đô thị đông dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do chất thải từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và rác thải từ các hộ dân. Bên cạnh thực trạng đó, quỹ đất ngày càng thấp và giảm theo thời gian do sức ép tăng dân số, quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước khiếndiện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, chất lượng đất ngày càng suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm. Điều này đòi hỏi phải có phương án quản lý quỹ đất cũng như đảm bảo chất lượng đất phù hợp và theo Quy chuẩn quốc giaQCVN 03:2023/BTNMT doBộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số /2023/TT-BTNMT.

Theo quy định mới nhất, từ ngày 12/09/2023, giá trị giới hạn tối đa hàm lượng một số thông số trong đất được áp dụng theo Mục 2 QCVN 03:2023/BTNMT phù hợp với mục đích sử dụng được phân loại theo quy định của Luật Đất đai.Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc sử dụng đất trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, về quy định giới hạn tối đa hàm lượng kim loại nặng Cadmi (Cd) loại 1:4; loại 2:10; loại 3:60. Giới hạn tối đa hàm lượng Đồng là 150- 500- 2000. Arsenic (As) 25- 50-200. Thuỷ ngân là 12- 30- 60. Chì là 200- 400- 700. Chromi là 5- 15- 40. Tổng Chromi 150- 200- 250. Kẽm (Zincum) (Zn) 300 - 600 - 2000. Nickel (Ni) 100 - 200 - 500.

Quy chuẩn quốc giaQCVN 03:2023/BTNMT cũng quy định tối đa hàm lượng nhóm hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu trong môi trường và nhóm hóa chất độc hại khác như sau:

Trường hợp khu vực đất được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau thì ngưỡng chất ô nhiễm được áp dụng theo mục đích phân loại có ngưỡng giới hạn quy định chặt chẽ nhất. Đối với các thông số tổng DDT, PCBs, Dioxin/furan, hóa chất bảo vệ thực vật phosphor hữu cơ: căn cứ vào mục đích chương trình quan trắc để lựa chọn các hợp chất quan trắc phù hợp.

Về quản lý, việc quan trắc định kỳ, thường xuyên các chất ô nhiễm trong đất và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Việc quan trắc các chất ô nhiễm trong đất định kỳ cần căn cứ vào mục tiêu, đặc điểm của khu vực cần quan trắc để lựa chọn các thông số quan trắc phù hợp.

Còn tại Khoản 11 Điều 2 Nghị định 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 quy định về công tác quản lý chất lượng môi trường đất cần theo dõi là các khu vực bị nhiễm độc hóa chất trong chiến tranh; khu vực có khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, kho chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bãi chôn lấp chất thải, làng nghề đã đóng cửa hoặc di dời; khu vực khai thác khoáng sản độc hại đã kết thúc khai thác; vùng canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều hóa chất phải được đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất, ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Các thông số môi trường đất cơ bản cần theo dõi, đánh giá tối thiểu bao gồm thông số quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đất. Căn cứ vào các nguồn phát thải trong khu vực, phải bổ sung thêm thông số đặc trưng khác để theo dõi, đánh giá tác động của các nguồn thải đến môi trường đất.

Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá, khu vực môi trường bị ô nhiễm phải được cảnh báo, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường. Quy trình xử lý ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo và phục hồi môi trường đất cần được điều tra, đánh giá, xác định loại hình, mức độ và phạm vi ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Phân loại mức độ ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật theo mức độ ô nhiễm cao, ô nhiễm trung bình, ô nhiễm thấp. Công bố thông tin về chất lượng môi trường đất và cảnh báo khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Lập phương án xử lý ô nhiễm và tiến hành xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường;

Quan trắc và giám sát sau xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường đất. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đất phải có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường.

https://vietq.vn/ (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ