Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ. Thời gian từ này đến hết ngày 23/12/2023.
Sử dụng thiết bị tập luyện tại chỗ sai cách gây ra nhiều tác hại
Hiện nay thay vì lựa chọn phương pháp ra ngoài tập luyện thì nhiều người đã sắm cho mình những thiết bị tập luyện tại chỗ vừa tiện lợi vừa tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên khi tập luyện những thiết bị này tại nhà nếu sai cách cũng gây mất an toàn cho người dùng.
Đơn cử, máy chạy bộ là thiết bị thông dụng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên có rất nhiều người dùng sai cách dẫn tới những chấn thương không mong muốn. Bởi chạy bộ trên máy không chỉ đơn giản là chân trước chân sau, tăng nhanh tốc độ hơn bình thường đã là chạy bộ đúng cách. Nhiều người còn không đặt ra kế hoạch cụ thể, bỏ qua bước khởi động, bỏ qua độ nghiêng của máy, sai tư thế chạy bộ, kiểm soát quá mức hơi thở, chạy quá sát bảng điều khiển...điều này khiến máy chạy bộ có thể làm cho chân và cánh tay hoạt động không được thoải mái, hành động cũng không được tự nhiên.
Việc chạy bộ trên máy không đúng phương pháp và hậu quả gây ra đầu tiên chính là mục tiêu thể dục không thể đạt được mà còn có thể gặp phải một trong các tình trạng như: chạy bộ bị đau ống đồng, bị đau xóc hông, đau bụng, chạy bộ bị to chân, đâu đầu, chóng mặt và cũng có thể gặp phải tình trạng đau mắt cá chân hay đau khớp gối. Cũng do tư thế chưa đúng, lực tác động lên các hệ cơ bắp chưa hợp lý dẫn tới tình trạng này. Những hậu quả nghiêm trọng như vậy đến từ tư thế sai, khi bạn chạy bộ trên máy chạy sai cách còn có thể gây ra những sự cố như ngã trên máy chạy bộ có thể gây ra những chấn thương không đáng có.
Thực tế hiện nay cho thấy, có khá nhiều khách hàng lo lắng không biết lựa chọn máy chạy bộ điện thế nào là đúng, tránh mua phải những sản phẩm là hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc không có nguồn gốc rõ ràng.
Trong khi mua máy chạy bộ điện chính hãng, ngoài việc sở hữu những tính năng cần thiết còn được nhà phân phối cung cấp đầy đủ phụ kiện như bộ ốc thay thế để bảo dưỡng sản phẩm, thay dầu máy chính hãng. Đối với những sản phẩm là hàng giả, hàng nhái thì sẽ không được trang bị những chương trình khuyến mãi và phụ kiện đi kèm như thế này.
Trong một cuộc khảo sát và nghiên cứu của các chuyên gia, họ nhận thấy rằng, tốc độ điều khiển bảng mạch của hàng nhái thông thường chậm hơn và ít bền hơn những sản phẩm chính hãng khoảng 2 giây.
Cùng với bảng điều khiển thông minh thì động cơ của máy cũng được trang bị hiện đại và tiên tiên nhất. Cụ thể là bộ tản nhiệt của các sản phẩm chính hãng, nó được làm từ công nghệ hiện đại nên có khả năng hoạt động rất tốt mà không hề phát ra tiếng ồn lớn nào cả. Tuy nhiên, với những chiếc máy chạy bộ kém chất lượng, trong quá trình sử dụng, nó sẽ phát ra những tiếng ồn lớn, cản trở tới quá trình tập luyện và khiến người tập chán nản, triệt tiêu hứng thú tập luyện.
Tương tự, xe đạp thể dục tại nhà cũng là một thiết bị tập luyện tại nhà mang lại hiệu quả luyện tập cao. Nhưng trên thực tế, một số sai lầm tưởng chừng như rất nhỏ nhưng cũng có thể làm giảm hiệu quả luyện tập. Thậm chí có thể dẫn đến chấn thương cho người luyện tập.
Một chiếc xe đạp tập thể dục được điều chỉnh không đúng cách có thể làm giảm lợi ích của việc đạp xe trong nhà. Điều chỉnh các thông số kỹ thuật của xe đạp không phù hợp với cơ thể cũng làm gia tăng nguy cơ bị thương. Ngồi trên yên xe quá cao sẽ khiến đầu gối phải cố quá mức. Điều này có thể gây ra các tổn thương ở đầu gối, hông và lưng của bạn. Ngược lại yên xe quá thấp sẽ khiến lưng dưới bị căng và đầu gối bị đau. Tư thế đạp xe không tốt cũng có thể khiến các cơ trong cơ thể không nhận được lượng oxy cần thiết để đốt cháy glucose.
Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị luyện tập tại chỗ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ. Thời gian từ này đến hết ngày 23/12/2023.
Dự thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ quy định các yêu cầu an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ, các phương pháp thử tương ứng và yêu cầu về quản lý chất lượng thiết bị tập luyện tại chỗ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Quy chuẩn áp dụng cho tất cả thiết bị luyện tập tại chỗ, bao gồm thiết bị sử dụng trong khu vực luyện tập của các tổ chức như: liên đoàn thể thao, cơ sở giáo dục, khách sạn, phòng thể thao, câu lạc bộ, trung tâm phục hồi chức năng, phòng tập (loại S và I), ở đó việc tiếp cận và kiểm soát do người chủ sở hữu (người có trách nhiệm pháp lý) quy định, thiết bị dùng trong gia đình (loại H) và các loại thiết bị khác bao gồm thiết bị có động cơ dẫn động như định nghĩa tại 3.1 trong TCVN 11281-1.
Thiết bị tập luyện tại chỗ phải đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa
Dự thảo Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị tập luyện tại chỗ, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện việc đánh giá, chứng nhận thiết bị tập luyện tại chỗ.
Dự thảo cũng quy định về kỹ thuật, quản lý, chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
Theo đó, Dự thảo quy định về kỹ thuật như sau: Các thiết bị tập luyện tại chỗ ngoài việc tuân thủ các yêu cầu an toàn chung theo TCVN 11281-1:2015 còn phải tuân thủ theo các yêu cầu an toàn riêng bổ sung theo quy định (các yêu cầu trong các tiêu chuẩn cụ thể của bộ TCVN 11281 được ưu tiên hơn các yêu cầu tương ứng của TCVN 11281-1:2015).
Đồng thời, mọi phụ kiện kèm theo (nếu có) được cung cấp cùng với thiết bị tập luyện tại chỗ để thực hiện các bài tập bổ sung phải tuân theo các yêu cầu của TCVN 11281-1:2015. Cùng với đó, các thiết bị tập luyện tại chỗ phải được kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật theo các phương pháp thử tương ứng và phải thỏa mãn mức yêu cầu quy định theo danh mục thiết bị tập luyện tại chỗ.
Độ ổn định của thiết bị luyện tập tại chỗ phải ổn định theo hướng bất kỳ, ở vị trí luyện tập, gấp lại và cất giữ. Tất cả các cạnh và góc của bề mặt đỡ cơ thể người phải có bán kính r ≥ 2,5 mm. Tất cả các cạnh khác của các bộ phận mà người sử dụng hoặc người thứ ba có thể tiếp xúc không được có gờ sắc, được lượn tròn hoặc được bảo vệ.
Các đầu ống có thể tiếp xúc phải được bịt kín, ví dụ: bằng các bộ phận của thiết bị hoặc nút. Nếu sử dụng nút thì chúng phải giữ nguyên vị trí ở cuối phép thử chịu tải, như mô tả trong các phần liên quan của các tiêu chuẩn áp dụng cụ thể. Nếu trong tiêu chuẩn cụ thể không quy định phép thử chịu tải thì lực kéo nút phải ≥ 20 N.
Các điểm ép và điểm trượt giữa các bộ phận chuyển động, giữa bộ phận chuyển động và bộ phận cố định, hoặc giữa bộ phận chuyển động và sàn phải được bảo vệ hoặc phải có khoảng cách tối thiểu là 60 mm, trừ các trường hợp sau: Nếu chỉ nguy hiểm cho ngón tay thì khoảng cách tối thiểu phải là 25 mm; Nếu bên thứ ba không thể tiếp cận do vị trí cơ thể của người sử dụng, và nếu người sử dụng có thể dừng ngay chuyển động thì khoảng cách tối thiểu phải là 25 mm; Nếu góc giữa hai bộ phận chuyển động liền kề nhau hoặc giữa một bộ phận cố định và một bộ phận chuyển động liền kề luôn là 50 độ hoặc lớn hơn thì không được coi là điểm trượt; Chi tiết chặn hở hoặc rõ ràng được loại trừ; tuy nhiên, nếu chi tiết chặn là bộ phận chuyển động thì nó không được dịch chuyển ít hơn 25 mm tính từ bộ phận khung cố định trong toàn bộ phạm vi dịch chuyển của nó.
Khoảng cách giữa các bộ phận chuyển động hoặc giữa bộ phận chuyển động và bộ phận cố định tối thiểu phải là 60 mm, trừ các trường hợp sau: Nếu chỉ nguy hiểm cho ngón tay thì khoảng cách này không được nhỏ hơn 25 mm; Nếu khoảng cách giữa bộ phận chuyển động và bộ phận cố định, hoặc giữa hai bộ phận chuyển động, không thay đổi trong khi sử dụng hoặc lắp đặt thì khoảng cách này phải lớn hơn 25 mm hoặc nhỏ hơn 9,5 mm; Chi tiết chặn hở hoặc rõ ràng được loại trừ; tuy nhiên, nếu chi tiết chặn là bộ phận chuyển động thì nó không được dịch chuyển ít hơn 25 mm tính từ bộ phận khung cố định trong toàn bộ phạm vi chuyển động của nó.
Về quản lý, các thiết bị tập luyện tại chỗ thuộc phạm vi của quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Việc công bố hợp quy thiết bị tập luyện tại chỗ phải dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp.
Chứng nhận hợp quy đối với thiết bị tập luyện tại chỗ sản xuất trong nước được thực hiện theo Phương thức 5 “Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất” tại cơ sở sản xuất thiết bị tập luyện tại chỗ hoặc Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa tại cơ sở sản xuất thiết bị tập luyện tại chỗ” trong trường hợp cơ sở sản xuất không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo Phương thức 5.
Đối với thiết bị tập luyện tại chỗ nhập khẩu, chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa đối với từng lô thiết bị tập luyện tại chỗ nhập khẩu” trong trường hợp lô thiết bị tập luyện tại chỗ chưa được chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 quy định tại quy chuẩn kỹ thuật này hoặc chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài khi có yêu cầu từ phía cơ sở sản xuất nước ngoài theo quy định.
Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị tập luyện tại chỗ cũng chỉ định rõ tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Thời gian lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cho Dự thảo từ ngày 20/10 - 23/12/2023.