SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

“Món nợ” với khoa học công nghệ

[11/05/2012 09:09]

Trong buổi đối thoại tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân tâm sự rằng ông vẫn còn nợ các nhà khoa học hai điều, đó là nguồn vốn đầu tư cho KHCN còn quá thấp và cơ chế tài chính lạc hậu.

Ngoài ra, người làm khoa học đến nay vẫn chưa được đãi ngộ thỏa đáng và đó là một trong những nguyên nhân khiến cho nền KHCN nước nhà chưa thực sự trở thành động lực phát triển như kỳ vọng.

Nhà khoa học và "nghệ thuật nhảy múa với con số"

Theo Bộ KHCN, Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách quốc gia hằng năm cho hoạt động KHCN, tương đương khoảng gần 700 triệu USD và nếu tính cả nguồn đầu tư từ DN thì cũng chưa vượt quá 1 tỷ USD, bình quân khoảng 10 USD/người dân. Đây là mức quá thấp so với các nước trên thế giới, kể cả các nước lân cận trong khu vực. Như Hàn Quốc có mức đầu tư tính trên đầu người lên tới 1.000 USD; tại Trung Quốc, con số này đã vượt quá 30 USD. Trong khi đó, việc kêu gọi DN dành 10% lợi nhuận trước thuế cho phát triển KHCN cũng rất khó khăn bởi các DN thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 10% lợi nhuận trước thuế chỉ đáng giá vài chục triệu đồng, may lắm là vài trăm triệu đồng, không đủ để đổi mới công nghệ của chính DN đó, nói gì đến đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thừa nhận thực trạng các nhà khoa học đang phải vận dụng cơ chế tài chính hành chính chứ không phải cơ chế tài chính sự nghiệp cho hoạt động KHCN. Muốn có kinh phí nghiên cứu thì nhà khoa học phải lập kế hoạch trước 1,5 năm, khi có tiền thì nhiều đề tài, dự án đã lạc hậu, không còn cần nghiên cứu nữa. Thêm nữa, thủ tục thanh, quyết toán còn rườm rà, phức tạp, nhiều kho bạc thường yêu cầu nhà khoa học cung cấp đầy đủ chứng từ, hóa đơn đối với những nội dung đã được khoán… Những điều nói trên không thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học.

Theo PGS-TSKH Phùng Hồ Hải (Viện KHCN Việt Nam), nền khoa học nước nhà đang đứng trước "căn bệnh" thiếu tin tưởng lẫn nhau. Nhà khoa học không tin nhà quản lý công tâm; ngược lại, nhà quản lý không tin nhà khoa học nghiêm túc... Vì thế, nhiều chủ nhiệm đề tài khoa học cho rằng, việc nghiên cứu không quan trọng bằng việc thanh, quyết toán kinh phí. Thường thấy nhất là nhà khoa học đi hội thảo phải ký đến 2-3 chữ ký để nhận thù lao 200.000 - 300.000 đồng. Do đó, đồng hành cùng họ luôn là các nhân viên kế toán giỏi, biết cách "nhảy múa với các con số". Ai cũng biết điều này kéo dài thì rất khó để "giữ liêm", tạo ra tiền lệ xấu trong khoa học.

Chảy máu chất xám vì đãi ngộ không xứng đáng

Một thực tế khác nữa là sau nhiều năm, mặc cho giá cả nhảy múa, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ khoa học vẫn "án binh bất động". Hiện nay, trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức chỉ còn cán bộ khoa học - tức là các nghiên cứu viên và kỹ sư - là không có chế độ phụ cấp gì ngoài lương.

Cho đến nay, về cơ bản nước ta vẫn chưa ban hành được chính sách hiệu quả về đãi ngộ, trọng dụng cán bộ KHCN (về tiền lương, phụ cấp, danh hiệu... ) dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Để có sự đột phá trong cơ chế đối với cán bộ KHCN, năm 2006, Bộ KHCN đã xây dựng Đề án đào tạo cán bộ khoa học theo ê kíp và Đề án sử dụng, trọng dụng cán bộ KHCN. Sau nhiều lần chỉnh lý, bổ sung trên cơ sở các ý kiến đóng góp, tham vấn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và của các bộ, ngành liên quan, Bộ KHCN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định về một số chính sách thí điểm đối với cán bộ KHCN, tập trung vào các nội dung cơ bản như: Thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ đặc biệt về tài chính đối với các nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì nhiệm vụ KHCN đặc biệt cấp quốc gia; Thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đặc biệt đối với cán bộ KHCN xuất sắc được giao nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại các trường ĐH, các tổ chức KHCN trọng điểm. Ngoài ra, dự kiến sẽ ban hành bổ sung một số chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, giữa ý tưởng và thực tiễn vẫn có khoảng cách lớn, bằng chứng là số nhà khoa học người Việt định cư ở nước ngoài về Việt Nam làm việc hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay và tình trạng "chảy máu chất xám", nhà khoa học làm việc "chân ngoài dài hơn chân trong" không phải là ít.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, việc chậm ban hành chính sách đãi ngộ với người làm khoa học là điều bất hợp lý vì cán bộ, công chức, viên chức ở các lĩnh vực khác đều có phụ cấp, thậm chí là 3-4 loại khác nhau như phụ cấp nghề, thâm niên… Tổng số thu từ những loại phụ cấp ấy trong một số lĩnh vực có thể còn hơn cả lương cơ bản. Trong khi đó, cán bộ khoa học chỉ có thể sống bằng nghề, không có phụ cấp nào ngoài lương, ngay những cán bộ đang công tác ở các khu công nghệ cao cũng không được hưởng ưu đãi gì. Mấy năm liền, Bộ KHCN đưa vấn đề này ra thảo luận với Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, đề nghị cho những người làm công tác quản lý ở khu CNC được hưởng chế độ ưu đãi tương tự như khi làm việc ở các khu kinh tế mở, nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Nền KHCN của đất nước chậm phát triển thì xã hội có thể sẽ gánh chịu hậu quả ở tương lai và ngược lại. Điều đó có thể thấy rõ ở những nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)....

Báo Hà Nội mới (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ