Phổ biến kiến thức NSCL cho sinh viên: ‘QCC - nhóm kiểm soát chất lượng’ (chuyên đề 5)
Ngày 10/11, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ cho sinh viên về hoạt động Năng suất và Đổi mới sáng tạo, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức buổi đào tạo thông qua hình thức trực tuyến với chủ đề “QCC: Nhóm kiểm soát chất lượng” (chuyên đề 5).
Tham dự buổi đào tạo trực tuyến có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, cùng hơn 1.000 giảng viên, sinh viên tại 25 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thủy Lợi; Học viện Tài chính; Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Trường Cao đẳng Việt Xô số 1; Trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng; Trường Cao đẳng Công thương miền Trung; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2); Trường Đại học Thủ Dầu một; Trường Đại học Trà Vinh; Tỉnh đoàn Yên Bái; ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Bình Dương; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore; ĐH SPKT Vĩnh Long; Sở KHCN Nam Định; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Khánh Hòa.
Tại buổi đào tạo, ông Trần Tuấn Anh – Chuyên gia tư vấn, Trung tâm Đào tạo và Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã trình bày về QCC: Nhóm kiểm soát chất lượng. Theo chuyên gia, nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) còn được gọi là nhóm chất lượng được khởi xướng tại Nhật Bản từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, là một nhóm nhỏ (từ 3 đến 10 người), từ những nỗ lực của người Nhật đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên nền tảng lấy con người làm trung tâm.
Từ những lợi ích mà hoạt động Nhóm chất lượng mang lại, hiện tại mô hình đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một trong những mục tiêu của nhóm kiểm soát chất lượng là khuyến khích tinh thần tập thể của các thành viên. Những thành viên làm ở cùng một bộ phận có thể có cùng ý tưởng bởi vì họ cùng phải đương đầu với những vấn đề chung.
QCC không chỉ hướng tới kết quả cụ thể mà còn giúp thành viên nắm bắt các công cụ và phương pháp để giải quyết vấn đề về chất lượng. Nó có thể áp dụng cho bộ phận sản xuất, dịch vụ, quản lý kinh doanh và nghiên cứu phát triển. QCC không chỉ tạo ra bầu không khí tích cực, môi trường làm việc thoải mái mà còn góp phần nâng cao năng suất và chất lượng.
Buổi đào tạo thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn sinh viên
Việc áp dụng QCC không chỉ giúp trao đổi thông tin trong tổ chức được cải thiện tốt hơn, ví dụ giữa các thành viên với nhau và giữa thành viên với người phụ trách; người lao động hiểu biết hơn về chất lượng và thành thạo hơn trong cách giải quyết các vấn đề mà còn giúp giảm bớt lãng phí, cải thiện ý thức về chất lượng trong tổ chức, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập của người lao động. Do vậy, nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hiện nay, có khoảng hơn 60 quốc gia trên thế giới đã triển khai và áp dụng mô hình này.
Cũng theo chuyên gia, mục tiêu của nhóm chất lượng QCC chính là cải thiện năng suất, chất lượng, chi phí; Thiết lập mức độ kiểm soát chủ động hơn; Thiết lập mối quan hệ hỗ trợ nhau; Nâng cao thu nhập, chia sẻ lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp.
8 bước giải quyết vấn đề dành cho nhóm QCC bao gồm: Bước 1, xác định vấn đề; bước 2, chẻ nhỏ vấn đề; bước 3, đặt mục tiêu; bước 4, phân tích nguyên nhân gốc rễ; bước 5, phát triển các giải pháp; bước 6, triển khai các giải pháp phù hợp; bước 7, đánh giá kết quả; bước 8, tiêu chuẩn hóa quy trình thực hiện thành công.
Trong khuôn khổ buổi đào tạo trực tuyến, ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến bài học. Tất cả những thắc mắc đã được chuyên gia từ phía Tổng cục TCĐLCL giải đáp một cách thỏa đáng.