“Rối loạn sử dụng màn hình điện tử” làm giảm chức năng nhận thức
Trong đời sống hiện đại, các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại thông minh đã trở thành công cụ thiết yếu phục vụ nhu cầu công việc, giáo dục và giải trí của mọi người. Tuy vậy, các nhà khoa học Úc mới đây phát hiện việc “dán mắt” vào màn hình thiết bị điện tử có liên quan đáng kể đến suy giảm khả năng nhận thức, qua đó khuyến cáo mọi người nên chủ động kiểm soát thời lượng sử dụng thiết bị.
Giới hạn thời gian xem màn hình thiết bị điện tử có thể góp phần bảo vệ chức năng nhận thức.
Lâu nay, tác động của việc sử dụng màn hình điện tử đến khả năng nhận thức của con người - gồm các kỹ năng tư duy như sự chú ý, trí nhớ, ngôn ngữ và giải quyết vấn đề - là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một mặt, có nhiều ý kiến cho rằng việc xem màn hình điện tử có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực như các vấn đề về sức khỏe, thời gian tập trung bị rút ngắn và cản trở sự phát triển. Mặt khác, nhiều trường học có xu hướng áp dụng công nghệ để tăng cường sự tham gia của học sinh trên lớp học. Các công ty công nghệ cũng đang tiếp thị những sản phẩm dùng như công cụ giúp nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề và trí nhớ.
Nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Ðại học Macquarie và Ðại học Công giáo Úc nhắm tới tìm hiểu những hậu quả tiềm tàng đối với chức năng nhận thức do “rối loạn sử dụng màn hình điện tử”, bao gồm các hành vi như nghiện xem thiết bị và luôn “dán mắt” vào nó bất chấp tác hại ra sao. Cụ thể, nhóm chuyên gia tiến hành phân tích 34 nghiên cứu tìm hiểu về các hình thức sử dụng màn hình khác nhau (chơi game, lướt web, sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội) và so sánh hiệu suất nhận thức của những người bị “rối loạn sử dụng màn hình điện tử” với những người không mắc chứng này.
Qua phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện nhóm mắc chứng “rối loạn sử dụng màn hình điện tử” luôn thể hiện hiệu suất nhận thức kém hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Trong đó, khu vực nhận thức bị ảnh hưởng nhiều nhất là sự chú ý, đặc biệt là không thể tập trung chú ý vào một sự việc không thay đổi trong thời gian dài. Khu vực nhận thức bị ảnh hưởng nhiều thứ hai là “chức năng điều hành”, đặc biệt là khả năng kiểm soát cơn bốc đồng. Ðiều thú vị là loại hoạt động trên màn hình không tạo ra sự khác biệt trong kết quả ảnh hưởng tới chức năng nhận thức. Xu hướng ảnh hưởng đến nhận thức nói trên xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không phân biệt là đang sử dụng loại màn hình nào (tivi, máy tính hay điện thoại).
Vì sao người mắc chứng “rối loạn sử dụng màn hình điện tử” có chức năng nhận thức kém hơn?
Theo các chuyên gia, lời giải thích đầu tiên là việc sử dụng màn hình không kiểm soát về lâu dài có thể làm suy yếu khả năng chú ý. Ðây có thể là hậu quả của việc liên tục bị “tấn công” bởi các thuật toán và tính năng được thiết kế để thu hút sự chú ý của người dùng. Ðiều quan trọng là khả năng chú ý bị suy giảm cũng khiến việc thoát khỏi các hành vi gây nghiện (thiết bị) trở nên khó khăn hơn và người dùng sẽ khó nhận biết hành vi sử dụng màn hình thiết bị của mình đang có vấn đề.
Lời giải thích thứ hai là những người vốn có chức năng nhận thức kém hơn (như không có khả năng tự kiềm chế) càng có xu hướng sử dụng màn hình một cách vô độ hơn. Ðiều này có thể khiến họ dễ nghiện xem thiết bị hơn, luôn muốn “dán mắt” vào màn hình và khó mà ngừng sử dụng chúng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn đối tượng bị “rối loạn sử dụng màn hình điện tử” là người trẻ, trong đó, nam giới chủ yếu nghiện xem màn hình vì tham gia trò chơi điện tử trực tuyến, còn nữ giới thì nghiện màn hình vì sử dụng mạng xã hội. Những người thuộc nhóm đa dạng thần kinh cũng có nguy cơ cao hơn mắc chứng này.
Từ những phát hiện nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên thận trọng khi sử dụng thiết bị trong các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Ðối với cá nhân, mỗi người cần chủ động thiết lập và kiểm soát thời lượng xem thiết bị điện tử, qua đó giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng màn hình đối với sức khỏe và chức năng nhận thức.
https://baocantho.com.vn (ntptuong)