SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Trường ĐH Bách khoa TPHCM: Doanh thu chuyển giao công nghệ gần 170 tỷ đồng/năm

[18/12/2023 10:22]

Ngày 15/12, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM đã tổ chức Hội nghị KH&CN lần thứ 18 với chủ đề “Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa kết quả nghiên cứu”.

TS Phạm Tấn Thi giới thiệu hoạt động khoa học công nghệ của Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: KA

Đây là hội nghị thường niên được Trường ĐH Bách khoa TPHCM tổ chức hai năm một lần, nhằm tạo không gian để các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý,… của các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi học thuật về KH&CN, kỹ thuật, cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều phương diện.

TS Phạm Tấn Thi, Trưởng phòng KH&CN và Dự án Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, Trường có gần 1.000 công bố khoa học quốc tế uy tín mỗi năm. Trong đó, có nhiều công bố được đăng tải trên cơ sở dữ liệu SCOPUS và Web of Science. Doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của Trường thuộc nhóm trường đại học đứng đầu cả nước, trung bình đạt 150 – 170 tỷ đồng/năm.

Nhà trường hiện có 66 nhóm nghiên cứu ở các lĩnh vực cấp thiết hiện nay như khoa học vật liệu, khoa học máy tính, tự động hóa, thiết kế vi mạch bán dẫn, AI và IoT, khoa học trái đất và sự sống,… “Trong giai đoạn tới, Trường Đại học Bách khoa TPHCM hướng đến trở thành đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra các mô hình doanh nghiệp khởi nguồn spin - off và doanh nghiệp khởi nghiệp startup. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường, dịch vụ KH&CN và thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, TS Thi nói.

Tại Hội nghị, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm công nghệ, mô hình thiết bị tiên tiến, giải pháp chuyển đổi số, tự động hóa, sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên,... đã được giới thiệu và sẵn sàng chuyển giao vào ứng dụng thực tiễn.

Trong đó có thể kể đến công trình tận dùng các phế phẩm nông nghiệp, công nghiệp như lá dứa, xơ dừa, rơm rạ, tro bay,… của các nhà khoa học Khoa Kỹ thuật hóa học để tạo ra aerogel tính năng cao ứng dụng trong hấp phụ màu, thuốc nhuộm, dung môi hữu cơ, kim loại nặng, vật liệu cách âm, cách nhiệt aerogel composite,… Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tạo ra một số sản phẩm từ vỏ sầu riêng, nhằm tăng giá trị cho trái sầu riêng Việt Nam, như dung dịch kháng khuẩn, dầu sinh học, phân bón, carbon aerogel, chất xơ tan trong nước (pectin) ứng dụng trong thực phẩm chức năng, chất làm đặc, điều chỉnh độ nhớt, xơ không hòa tan ứng dụng trong sợi dệt may, chất độn vật liệu, …

Các sản phẩm được chế tạo từ phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Ảnh: KA

Khoa Kỹ thuật Giao thông đã thiết kế, chế tạo máy bay tự hành, ứng dụng trong phát hiện cứu nạn, cứu hộ trên biển, vùng đồi núi một cách nhanh chóng, độ chính xác cao, khả năng tìm kiếm 60km/h. Ngoài ra, các khoa học còn nghiên cứu thử nghiệm và làm chủ công nghệ robot ngầm tự hành, với độ chính xác cao và linh động, có thể phục vụ quan trắc môi trường, khảo sát nông hộ, cứu hộ cứu nạn...

Hay như thiết bị đo tự động độ rộng vết nứt của vật liệu cứng do Viện Toán học và các Khoa học tính toán của Trường ĐH Bách khoa TPHCM chế tạo, giúp đo đạc nhanh, chính xác, thao tác sử dụng đơn giản, phục vụ quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng. Ngoài ra, Viện còn nghiên cứu, chế tạo các thiết bị khác như thiết bị tính độ sâu vết nứt tự động, robot tự hành tìm đường đi trong môi trường không xác định trước, thiết bị bay không người lái UAV không cần GPS,…

Nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Phòng thí nghiệm công nghệ laser, Khoa Khoa học ứng dụng đã chế tạo thiết bị quang châm – quang trị liệu bằng laser bán dẫn công suất thấp loại 12 kênh. Thiết bị có thể sử dụng trong điều trị di chứng bại não, bại liệt ở trẻ em, phục hồi chức năng vận động sau chấn thương sọ não, đau thần kinh tọa, cột sống, viêm khớp,… Các quy trình trị liệu bằng liệu pháp laser công suất thấp để điều trị bệnh do Phòng nghiên cứu đã được chuyển giao cho một số cơ sở y tế trên cả nước.

Tại sự kiện, một số sản phẩm của sinh viên cũng được giới thiệu như hệ thống quản lý rác nơi công cộng, máy phân loại rác thải nhựa, sợi kháng khuẩn từ lá dứa kết hợp cùng chitosan thu từ vỏ tôm và dầu sầu đâu, thiết bị cảnh báo đột quỵ,…

https://khoahocphattrien.vn/ (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ