Quy trình chiết hỗn hợp alcaloid từ củ Ráy dại
Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu để hoàn thiện kết quả đề tài và phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh Gút cũng như các bệnh liên quan trên cơ sở các hợp chất có hoạt tính từ loài Ráy dại Alocasia odora.
Cây Ráy dại Alocasia odora K. Koch. Ảnh: VAST
Các thuốc tổng hợp hiện nay trong điều trị bệnh Gút đa phần có tác dụng hạ acid uric máu và chống viêm. Dù các loại thuốc này mang lại tác dụng nhanh, sử dụng thuận tiện, tuy nhiên chúng thường đi kèm một số tác dụng phụ không mong muốn như các phản ứng quá mẫn cảm, gây độc với thận, tủy xương... làm hạn chế hiệu quả trong điều trị. Mặt khác, do bệnh mãn tính, người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài nên chi phí điều trị rất tốn kém.
Với mong muốn phát triển các chế phẩm bổ sung có nguồn gốc từ thực vật trong hỗ trợ điều trị bệnh Gút, TS. Nguyễn Thị Thu Hà và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính ức chế enzym xanthin oxidase và tạo chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Gút của củ Ráy dại (Alocasia odora K. Koch)”.
Theo thông tin do Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đăng tải, trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân lập và xác định được cấu trúc của 07 hợp chất bao gồm: Alocasin A (AO1), Hyrtiosin B (AO2), β-sitosterol (AO3), β-sitosterol β-D-glucoside (AO4), Hyrtiosulawesine (AO5), myristic acid (AO6) và cis-p-hydroxycinamic acid (AO7) từ cặn chiết EtOAc và MeOH của củ Ráy dại. Kết quả thử nghiệm sinh học cho thấy, các hợp chất alcaloid thể hiện hoạt tính ức chế enzym alpha glucosidase mạnh (với giá trị IC50 từ 5.25±0.32 đến 29.59±3.7 μM), tác dụng ức chế enzym XO ở mức khá (với giá trị IC50 từ 44.34±2.15 đến 93.29±4.7 μM) và tác dụng ức chế sản sinh NO ở mức trung bình (với giá trị IC50 163.3±11.7 đến 294.9±9.8 μM).
TS. Thu Hà và cộng sự đã nghiên cứu độc tính cấp và tác dụng hạ axit uric trên chuột thực nghiệm của chế phẩm AO. Kết quả cho thấy, mức liều 5000 mg/kg thể trọng không gây chết động vật thí nghiệm theo đường uống và mức liều 500 mg/kg có tác dụng hạ 26.31% hàm lượng acid uric máu so với mô hình bệnh.
https://khoahocphattrien.vn/ (nnttien)