Chất lượng giấc ngủ và các yếu tố liên quan ở người cao tuổi dân tộc cơ tu tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Thùy Linh, Võ Minh Hoàng, Đặng Cao Khoa, Võ Nữ Hồng Đức, Đoàn Vương Diễm Khánh thực hiện.
Ảnh minh họa
Chất lượng giấc ngủ kém là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến người cao tuổi do tỷ lệ phổ biến cao và mối liên quan của nó với tâm lý, sức khỏe thể chất, tinh thần, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ bệnh tật và tử vong. Tuy nhiên, tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu về chất lượng giấc ngủ là một vấn đề chưa phổ biến và rất ít được đề cập, đặc biệt là trên đối tượng những người cao tuổi dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi.
Nghiên cứu thực hiện nhằm mô tả chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi dân tộc Cơ Tu tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế và tìm hiểu các yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ của đối tượng nghiên cứu.
Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang thực hiện trên 130 người cao tuổi dân tộc Cơ Tu tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Số liệu được thu thập bằng bộ câu hỏi được thiết kế sẵn. Chất lượng giấc ngủ được đánh giá bằng thang đo chất lượng giấc ngủ Pittsburgh. Phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.0, mô hình hồi quy logistic đa biến được sử dụng để xác định các yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ với mức độ tin cậy 95%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ chất lượng giấc ngủ kém chiếm 72,9%. Các yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém ở người cao tuổi gồm: trình độ học vấn, thu nhập hiện tại, tình trạng hôn nhân, chất lượng cuộc sống, mức độ hài lòng về sức khỏe (p < 0,05).
Chất lượng giấc ngủ kém là vấn đề phổ biến ở người cao tuổi, đây là vấn đề sức khỏe y tế công cộng cần được quan tâm để cải thiện chất lượng cuộc sống.