Khảo sát tình hình trầm cảm ở thời kỳ hậu sản theo thang điểm EPDS
Nghiên cứu do nhóm tác giả Ngô Thị Minh Thảo, Nguyễn Xuân Long, Nguyễn Vũ Phương Thảo, Hoàng Đăng Phước, Lương Thị Hải Nhiên, Hoàng Quốc Vĩ, Lê Nguyễn Lâm Phương, Võ Hoàng Lâm, Lê Lam Hương, Lê Minh Tâm thực hiện nhằm khảo sát tình hình trầm cảm ở sản phụ trong thời kỳ hậu sản bằng thang điểm EPDS.
Ảnh minh họa
Trong thời kỳ hậu sản, nguy cơ rối loạn tâm lý ở phụ nữ ngày càng tăng được gọi là trầm cảm sau sinh. Thường biểu hiện là mệt mỏi, buồn chán, lo lắng sau sinh. Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát tình hình trầm cảm ở sản phụ trong thời kỳ hậu sản bằng thang điểm EPDS.
Mô tả cắt ngang ở 275 thai phụ sau sinh thường tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ 01/2021 đến 01/2022.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi 20 - 29 tỷ lệ 40,4%, 30 - 39 tuổi 49,1%, tuổi trung bình 29,2 ± 5,4. Nhóm 0 - 8 điểm chiếm 80,4%, nhóm 9 - 12 điểm tỷ lệ 10,5%, nhóm ≥ 13 điểm 9,1% (p < 0,05). Tiền sử có trầm cảm ngoài thai kỳ chiếm 16,7%. Ở nhóm ≥ 13 điểm: trầm cảm sau sinh tỷ lệ 54,4%. Sinh con toàn trai hoặc gái tỷ lệ 17,6%. Thai kỳ không mong muốn (dị dạng, thai lưu) tỷ lệ 6,5%. Căng thẳng, mất ngủ, lo lắng sau sinh 38,7%. Tình trạng hôn nhân ly thân, ly hôn tỷ lệ 22,5%. Không có người giúp tỷ lệ 22,6%. Khả năng chăm sóc con không bình thường 45,2%. Suy nhược thần kinh, thay đổi cảm xúc tỷ lệ 90,3% (p < 0,05). Sản phụ không muốn chăm sóc con chiếm tỷ lệ 51,6%. 6,4% sản phụ có cảm giác con là nguy hiểm nên muốn hại con.
Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý xảy ra sau khi sinh và thường kéo dài khoảng 6 tuần sau sinh. Cần thăm khám phát hiện sớm để tư vấn và điều trị kịp thời cho bệnh nhân.