SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giảm tiểu cầu và mối liên quan với kết cục lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn

[15/01/2024 15:46]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Thị Ngọc Thúy, Trương Thục Liên, Trần Xuân Thịnh, Nguyễn Văn Minh, Phan Thắng thực hiện nhằm đánh giá mối liên quan giữa giảm tiểu cầu, tăng MPV và kết cục lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn.

 Ảnh minh họa

Giảm tiểu cầu (GTC) là vấn đề thường gặp ở những bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn nhập khoa Hồi sức cấp cứu. GTC và tăng thể tích trung bình tiểu cầu (MPV) được xem là yếu tố tiên lượng mức độ nặng vì có tương quan với tăng tỷ lệ suy đa tạng, tình trạng xuất huyết, tăng thời gian nằm viện cũng như tỷ lệ tử vong tại khoa hồi sức.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 112 bệnh nhân trên 16 tuổi được chẩn đoán nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn Sepsis - 3 từ tháng 01/2022 đến tháng 05/2023.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nam giới chiếm 55,4%, độ tuổi trung bình 66 tuổi với tình trạng nhiễm khuẩn nặng chiếm 54,5% và sốc nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ 45,5%. 57/112 (50,9%) bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn có giảm tiểu cầu với tỉ lệ giảm tiểu cầu nhẹ chiếm 27,7%, trung bình chiếm 17,9% và nặng chiếm 5,4%. Đường tiêu hóa (43,8%) và hô hấp (37,5%) là 2 tiêu điểm nhiễm khuẩn hay gặp với tác nhân gây bệnh phân lập được là P. aeruginosa (32,3%) và E.coli (29%). Bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn kèm GTC có thời gian nằm viện dài hơn (6 ngày so với 4 ngày), tỷ lệ suy tạng cao hơn (96,5% so với 69,1%) và tỷ lệ tử vong cao hơn (49,1% so với 10,9%) so với nhóm không có tình trạng GTC với p < 0,01. GTC là yếu tố nguy cơ tiên lượng tử vong với OR=5,2 (95%CI [1,30-20,68], p < 0,05). MPV ở nhóm tử vong (10,37 ± 1,55) tăng cao hơn có ý nghĩa so với nhóm sống sót (9,63 ± 1,62), p < 0,05. 50,9% bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn có tình trạng GTC. GTC và tăng MPV là yếu tố tiên lượng kết cục lâm sàng xấu ở bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn.

Tạp chí Y dược Huế, tập 13 (05)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ