Tăng cường bón phân đạm có thể gây ô nhiễm sông và làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước
Vào những năm 2050, 1/3 số sông trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước hoặc bị ô nhiễm nitơ. Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế, trong đó có các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam và do các nhà khoa học của Đại học Wageningen dẫn đầu. Họ đánh giá sự khan hiếm nước sạch do biến đổi khí hậu đang diễn ra và cho thấy ô nhiễm nước do thâm canh nông nghiệp và nước thải chưa qua xử lý có thể hạn chế nguồn cung cấp nước sạch.
Trong khi tình trạng khan hiếm nước được nghiên cứu rộng rãi thì tác động của ô nhiễm nước trong tương lai do các hoạt động của con người gây ra đối với nguồn cung cấp nước vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Trong nghiên cứu của các nhà khoa học, được công bố trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu tập trung vào nitơ như một chất gây ô nhiễm.
Bằng cách sử dụng chỉ số mức độ khan hiếm nước sạch mới được giới thiệu, các nhà khoa học đã đánh giá số lượng và chất lượng nước trong tương lai ở hơn 10.000 tiểu lưu vực sông trên toàn cầu. Năm 2010, khoảng 10% các tiểu lưu vực trên thế giới được phân loại là khan hiếm nước khi chỉ xét đến lượng nước, trong khi 25% các tiểu lưu vực trên thế giới bị ảnh hưởng bởi sự khan hiếm do số lượng và chất lượng gây ra. Các kịch bản cho năm 2050 cho thấy ô nhiễm đang làm xáo trộn nguồn cung cấp nước sạch của thế giới: Trong trường hợp xấu nhất, khoảng 30% các tiểu lưu vực sông trên thế giới có thể bị ảnh hưởng do thiếu nước sạch vào năm 2050, hoặc là không có đủ nước hoặc nước bị ô nhiễm.