SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Những 'thư ký' của ngành TĐC

[15/02/2024 14:34]

Người ta vẫn gọi nhà báo là những “thư ký” của thời đại, với mỗi ngành, lĩnh vực lại có những người cầm bút riêng. Thật hạnh phúc khi thêm một mùa xuân nữa tôi và anh chị em đồng nghiệp được viết về ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng - một trong những lĩnh vực được xem là “khô và khó”.

Những ngày rong ruổi đắm say...

Một năm nữa sắp qua đi như tiếng chuông báo hiệu của thời gian rằng thêm một năm tôi gắn bó với nghề báo, với ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tên ngành dài mà thời đầu tập tễnh vào nghề tôi phải đọc đi đọc lại mới không sai, không thiếu.

Sự khởi đầu của năm mới luôn cho con người ta khoảng lặng để nghĩ về những trải nghiệm đã qua và nhìn nhận về tương lai sắp đến. Tôi nghĩ về những người đồng nghiệp, những câu chuyện miên man để gợi nhớ về những tháng năm đã từng. Mỗi sự việc, thời gian, con người, cảm xúc... đều là một miền kí ức ghép lại trong mảng nhớ mãi sau này.

Diễn đàn Năng suất Quốc gia là sự kiện quan trọng của ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ảnh: Phong Lâm.

Đó là khi cả đội phóng viên tập trung cho một sự kiện lớn của ngành, mấy ông anh trong cơ quan có người cao và gầy, người thì thấp cũng gầy mà vác máy quay, máy ảnh len lỏi giữa nhóm báo chí đa phần cao to để quay chụp sao cho đưa tin đúng, đủ và nhanh nhất có thể. Những lần như thế, việc ăn cơm hàng lúc 1, 2h chiều là chuyện vô cùng bình thường, cơm có thể không hấp dẫn nhưng ăn lúc ấy lại thấy ngon và ý nghĩa bởi vị ngon chính là vị hoàn thành nhiệm vụ. Đội phóng viên nữ cũng “chiến đấu” hết sức với công việc, không quản trưa hay tối, dù là tác nghiệp xa hay gần.

Làm việc với những con người có trách nhiệm tôi cảm thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều. Thay vì cứ nghĩ về được và mất thì hãy cứ hết mình, trải nghiệm là vô giá cho cuộc đời mỗi con người. Có những đề tài tôi cho là quá sức với bản thân và chính lúc ấy tôi nghĩ rằng mình bị làm khó nhưng đến khi vượt qua rồi mới nhận ra nếu không được “làm khó” như thế đã chẳng có tôi ngày một vững vàng hơn.

Khi có đề tài được giao hoặc đề tài mang tính phát hiện, các nhóm phóng viên lại lao ra đường để tìm kiếm và khai thác thông tin. Nhớ lần mải tìm địa chỉ mà tôi và bạn đồng nghiệp quên rằng đang đi vào đường 1 chiều, vậy là điều đầu tiên chào đón chúng tôi trên đường đi khai thác thông tin là cái vẫy của anh cảnh sát giao thông...

... tôi luyện người làm báo

Xét về đặc thù ngành thì tiêu chuẩn đo lường chất lượng là ngành “khô và khó” bởi mang tính kỹ thuật cao. Tôi nhớ như in trong một lần phỏng vấn cuối năm với TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, anh đã nói rằng cái khó của người làm báo lĩnh vực này là phải chuyển tải những điều khô khan, khó hiểu thành những câu từ sao cho đơn giản, dễ hiểu để không chỉ các chuyên gia, nhà khoa học mà đặc biệt là đa phần người dân đều hiểu. Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chính là những điều gần gũi trong cuộc sống.

TS. Hà Minh Hiệp chia sẻ với phóng viên, biên tập viên Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2023. Ảnh: Ngọc Xen.

Phải thừa nhận rằng ban đầu khi tiếp xúc với ngành tôi không khỏi choáng váng bởi ngôn ngữ chuyên ngành khó hiểu, đến tên các đơn vị tôi còn phải đọc đi đọc lại mới nhớ chưa nói đến phần nội dung công việc. Nào là những tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), năng suất chất lượng, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất: 5S, LEAN, TQM, TPM...; tên các tổ chức như ISO, IEC, APO... hay mảng đo lường cũng là mảng khó với những kiến thức mang tính kỹ thuật cao...

Tại nhiều buổi đưa tin, tôi chứng kiến sự thành thạo sử dụng các ngôn ngữ khác nhau như Anh, Hàn, Nhật... của các cán bộ, chuyên gia trong ngành là điều đáng tự hào, cũng là môi trường để những phóng viên trẻ như tôi được học hỏi và nâng cao kiến thức.

Viết về ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho tôi cơ hội để hiểu sâu sắc về một lĩnh vực khó. Các bài viết chuyên ngành luôn đòi hỏi sự hiểu biết nhất định, là thử thách đối với mỗi phóng viên, biên tập viên. Mỗi câu chữ viết ra phải cân đo đong đếm, sự sai xót, lắt léo từ ngữ có thể biến đổi hoàn toàn nghĩa của vấn đề. Nói như nhà văn Nam Cao: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”.

Mới chỉ 6 năm từ một cộng tác viên nay là phóng viên theo ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhưng tôi luôn cảm thấy may mắn vì được viết về ngành. Càng đi nhiều, viết nhiều mới càng chứng tỏ sự hiểu biết của mình là hạn hẹp. Đọc những bài viết đầu tiên so với hiện tại mới thấy hết sự ngây ngô, nhưng cũng là động lực để tôi và anh chị em đồng nghiệp tiếp tục phấn đấu mang đến nhiều bài viết hay, dễ hiểu và gần gũi.

Hơn 60 năm trong dòng chảy tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thật tự hào khi chúng tôi - những người làm báo ngành - được đóng góp một phần vô cùng nhỏ bé bằng những dòng tin, những bài viết cho ngành. Đâu đó, khi độc giả tìm hiểu về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng thì cũng có lẽ sẽ đọc được những dòng thông tin do chúng tôi từng viết, đấy là niềm vui và tự hào của mỗi người làm báo.

https://vietq.vn/ (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ